Điều đáng sợ chính là tính chất các vụ xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp. Để bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại trẻ em, chúng ta cần có những kiến thức hiểu biết và cách thức phòng tránh cho trẻ khỏi yếu tố nguy cơ bị xâm hại.
Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 05/4/2016 có hiệu lực từ ngày 01/6/2017. Điều 1 của Luật trẻ em quy định “Trẻ em” là người dưới 16 tuổi, theo đó đối tượng áp dụng của Luật trẻ em không chỉ trẻ em là công dân Việt Nam mà còn bao gồm trẻ em là người nước ngoài không phải công dân Việt Nam nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt.
Theo Luật trẻ em năm 2016, “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.
* Các hình thức xâm hại trẻ em: Có 4 hình thức xâm hại trẻ em bao gồm: Xâm hại thể chất, xâm hại tình dục, xâm hại tinh thần và xao nhãng.
* Những hành động bị coi là xâm hại trẻ em: Nói lời tục tĩu với trẻ em; trêu chọc trẻ quá đáng; chạm vào nơi trẻ không muốn; bắt trẻ sờ vào mình; xâm phạm sự riêng tư của trẻ; đánh trẻ để hả giận; lừa bịp trẻ; bỏ mặc trẻ; sử dụng trẻ như nô lệ; không lắng nghe trẻ; phớt lờ nhu cầu của trẻ; bắt trẻ làm việc quá nhiều…
* Ảnh hưởng của xâm hại trẻ em: Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân là trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
* Xâm hại tình dục trẻ em: Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực đe dọa, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
* Thủ đoạn của kẻ xâm hại tình dục trẻ em: Kẻ xâm hại trẻ em dùng rất nhiều thủ đoạn để tiếp cận và xâm hại trẻ em. Trên thực tế những kẻ xâm hại thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết đối với trẻ, quá trình này được gọi là dụ dỗ và có thể diễn ra theo một số bước như:
Nhắm đối tượng: Thủ phạm xác định trẻ em chúng muốn xâm hại, chúng thường nhắm đến những trẻ dễ bị tổn thương.
Xây dựng niềm tin: Thủ phạm tạo niềm tin ở trẻ bằng cách chia sẻ sở thích, tặng quà và kết bạn với trẻ.
Tạo bí mật: Thủ phạm bắt đầu tạo ra những bí mật riêng với trẻ bằng cách hứa hẹn, đe dọa hay ép buộc để trẻ không tiết lộ với ai.
Hành động leo thang: Thủ phạm tiến tới việc giới tính hóa mối quan hệ với trẻ. Chúng thường đề cập đến các vấn đề tình dục và chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy, khiến trẻ trở nên mất cảnh giác.
Thực hiện xâm hại: Thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Không phải tất cả những kẻ xâm hại tình dục trẻ em đều áp dụng cùng một thủ đoạn dụ dỗ. Một số kẻ sử dụng thủ phạm khác như: Tấn công bất ngờ, mua chuộc, lừa dối, khống chế, ép buộc. Thông thường kẻ xâm hại không hoạt động một mình, chúng có thể được hỗ trợ bởi những kẻ khác như: những kẻ tổ chức, những kẻ môi giới…
Làm thế nào để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại
Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần tăng cường mối quan hệ giao tiếp với trẻ, tạo điều kiện hướng dẫn trẻ tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em, đồng thời hướng dẫn trẻ kiến thức giới tính ngay từ nhỏ, cách nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để phòng tránh; dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, chỉ cho trẻ vùng nhạy cảm không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn. Như vậy tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ mà cha mẹ có thể dạy cho trẻ những kỹ năng dù đơn giản nhất nhưng vẫn có thể tạo được hiệu quả bất ngờ giúp các bé tự bảo vệ mình.
Ban Gia đình xã hội – tổng hợp