Chăm sóc trẻ từ 0-3 tuổi – giai đoạn đặt nền móng cho cuộc đời
Làm cha mẹ chắc hẳn ai cũng tha thiết mong cho con cái mình khỏe mạnh, lớn khôn, song nhiều bậc cha mẹ lại không nhận thức được đầy đủ rằng cách chăm sóc, nuôi dưỡng con trong những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của chúng sau này. Và đối với từng lứa tuổi, từng giai đoạn phát triển của trẻ cần phải có kiến thức, phương pháp chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp. Trong khuôn khổ của Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển tải những thông tin, kiến thức về chăm sóc – giáo dục trẻ theo từng giai đoạn. Với bài mở đầu, chúng tôi xin gửi tới các bà mẹ, ông bố và những người trực tiếp chăm sóc trẻ về một số lưu ý trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi:
1-Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi:
1 tháng tuổi, trẻ đi tiêu từ 2 – 4 lần mỗi ngày, mẹ cần quan sát phân bé để biết bé có ổn không. Nếu bé đi hoa cà, hoa cải thì bình thường, còn đi ngoài phân chua, sủi bọt thì bé đang có vấn đề về tiêu hóa, mẹ cần theo dõi có dấu hiệu gì bất thường (trẻ quấy khóc, không chịu bú…) thì nên nhanh chóng chưa bé đến bác sĩ.
Móng tay của bé cũng dài rất nhanh nên mẹ cần chú ý cắt móng tay để bé không tự cào xước mình.
Mẹ có thể tắm cho bé 1 tháng tuổi 1 lần/ngày, nếu mùa đông thì có thể 1 tuần tắm 3 lần. Việc tắm nắng để da bé tổng hợp vitamin D cũng rất cần thiết, thời gian tắm nắng tốt nhất từ là từ 6 – 9h sáng và sau 4h – 5h chiều.
Cần cho bú mẹ hoàn toàn, không cần cho bé uống thêm nước hay bất kỳ thực phẩm nào ngoài sữa mẹ.
2-Chăm sóc trẻ 2 – 5 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, có nhiều bé đã có thể tự lẫy, tự lật mình, 4- 5 tháng tuổi đã có thể trườn được một đoạn ngắn nên cha mẹ cần để ý hạ thấp giường để tránh cho bé bị ngã, dùng băng dính dán các ổ điện lại, các loại quạt để bàn cũng cần bảo đảm an toàn, không cho trẻ đút tay dễ gây thương tích. Ngoài ra giường ngủ, nơi nằm của bé cũng không đặt quá nhiều đồ chơi dễ gây thương tích cho bé.
4-5 tháng tuổi trẻ bắt đầu mọc răng, mẹ có thể chuẩn bị có trẻ những dụng cụ chuyên dùng để cho bé cắn cho đỡ ngứa, nhưng lưu ý phải giữ vệ sinh thường xuyên dụng cụ, tránh lây bệnh cho bé. Để những vật có kích thước nhỏ xa tầm tay của bé, đề phòng bé đưa chúng vào miệng và bị hóc, gây ngạt thở, rất nguy hiểm.
Dinh dưỡng cho bé giai đoạn này cũng chỉ cần cho bé bú mẹ hoàn toàn, theo nhu cầu. Một lưu ý nữa là mẹ cần đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ để phòng tránh bệnh cho bé.
3- Chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi:
Nhiều bé 6 tháng tuổi đã có thể bò rất nhanh, vì vậy nếu nhà bạn có cầu thang hãy làm hàng rào và cửa chắn để bé không bị ngã. Các loại thuốc, chất tẩy rửa cũng cần được cất cẩn thận, tốt nhất là để lên cao hoặc cho vào tủ có khóa để bé không mở được, đã có nhiều vụ ngộ độc thương tâm từ sự bất cẩn của người lớn.
Ở lứa tuổi này, mẹ đã có thể tập cho bé ăn dặm, các loại bột ngọt như bột gạo sữa, bột gạo khoai lang, bột gạo bí đỏ…rất thích hợp cho bé tập ăn dặm. Ngoài các vấn đề vệ sinh, an toàn, dinh dưỡng, mẹ cần đưa bé đi tiêm chủng đẩy đủ, theo định kỳ để phóng tránh bệnh cho bé.
4-Chăm sóc dinh dưỡng trẻ trên 6 tháng tuổi.
Từ tháng thứ 6 trở đi cần cho trẻ ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
Nguyên tắc cho ăn và chế biến thức ăn bổ sung.
- Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh và hợp khẩu vị với trẻ.
- Chế biến thức ăn phải phối hợp, nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cần thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên màu sắc, thơm ngon, hấp dẫn và đủ chất.
- Tất cả các dụng cụ chế biến phải sạch sẽ. Cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
- Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
- Cho trẻ ăn nhiều hơn trong khi trẻ ốm và sau khi ốm. Cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng hơn, nhất là khi tiêu chảy và sốt cao.
- Không nên cho trẻ ăn mì chính, không có lợi cho sức khỏe
- Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì cho ăn uống như vậy trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít trong bữa ăn.
b. Các thức ăn dùng cho trẻ ăn bổ sung.
Mỗi bữa ăn của trẻ phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:
Nhóm 1( tinh bột): Gạo, ngô, khoai lang, khoai sọ, khoai môn…
Nhóm 2( chất đạm): Thịt, cá, trứng tôm, cua, đậu, đỗ…
Nhóm 3( vitamin và khoáng chất): Rau xanh (rau ngót, mùng tơi, rau muống, rau dền, rau cải, bắp cải, xu hào, cà rốt…)
Nhóm 4(chất béo): Dầu, mỡ, lạc vừng (đậu phộng, mè)
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 1-3 tuổi
a. Nguyên tắc chung
Thông thường trẻ ở độ tuổi này mỗi ngày cần ăn 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ. Trong các bữa chính, nếu chúng ta muốn cân đối thì cứ tính cho mỗi bữa: 2 phần thức ăn cơ bản (cơm, cháo, mì,...)+ 2 phần rau + 1 phần thức ăn giàu đạm + ½ đến 1 muỗng cà phê chất béo + ½ phần trái cây tráng miệng. Nếu bé đã no thì chuyển phần trái cây này theo bữa phụ (ăn giữa các bữa ăn chính)
Các bữa ăn phụ cũng rất quan trọng, đóng góp cho khẩu phần dinh dưỡng của cả ngày; không nên có gì cho ăn nấy mà cần tính toán cẩn thận các bữa phụ sao cho phù hợp với các bữa chính như: Sữa và những đồ uống chế biến từ sữa rất tốt và chứa nhiều chất đạm, canxi và nhiều vitamin nhóm B.
b. Chuẩn bị bữa ăn và chăm sóc trẻ trong bữa ăn:
Cần chú ý cho trẻ ăn đúng vào những giờ nhất định để giúp hệ tiêu hóa của trẻ tiết dịch và hoạt động tốt.
Chuẩn bị bữa ăn: Trước bữa ăn, nên cho trẻ đi vệ sinh, rửa tay, lau mặt, mặc yếm hoặc khăn ăn cho sạch sẽ, mát mẻ; Chuẩn bị thức ăn ngon, đủ chất, đẹp, thơm, có độ nhuyễn, mềm, độ nóng thích hợp với trẻ. Trang trí vui mắt, hấp dẫn và sinh động. Người chăm sóc cho trẻ ăn: rửa tay sạch sẽ, trang phục gọn gàng; cần tập trung trong lúc cho trẻ ăn.
Trong bữa ăn: Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn qua nét mặt, củ chỉ, lời nói của người chăm sóc cho trẻ ăn; Giới thiệu cho trẻ món ă cho trẻ. Sử dụng đồ chơi; trò chơi đơn giản dẫn dụ trẻ vào bữa ăn và trong khi trẻ ăn.
- Xúc thức ăn cho trẻ: dùng thìa/ muỗng vừa miệng trẻ, lượng thức ăn xúc vừa phải. Để trẻ nhai nuốt hết thức ăn rồi mới xúc tiếp.
- Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự tập xúc đồ ăn cho dù còn rơi vãi. Hãy động viên trẻ, dần dần trẻ sẽ xúc ăn gọn hơn. Nếu cho trẻ tự xúc thức ăn, trẻ sẽ rất thích thú với bữa ăn. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần hướng dẫn cho trẻ cách cầm thìa/muỗng, cách xúc và phụ giúp trẻ.
- Nếu trẻ ngậm thức ăn trong miệng, cần dỗ dành cho trẻ nhai nuốt. Có thể bày trò chơi thi ăn để bé hào hứng hơn.
- Nếu bé ăn chậm, nuốt không hết thức ăn trong miệng, có thể cho trẻ uống nước hoặc nước canh, việc này sẽ giúp trẻ nuốt thức ăn được dễ dàng hơn vì nhiều khi do lượng nước bọt của trẻ tiết ra ít làm cho trẻ khó nuốt.
- Đối với trẻ ăn chậm, thức ăn lấy vào bát cho trẻ nên vừa phải, ăn hết rồi lấy tiếp. Không nên để thức ăn vữa, mất ngon. Khi trẻ ăn xong nên có lời khen trẻ.
- Cần chú ý: tuyệt đối không nên la mắng, dọa hoặc đánh trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ sợ bữa ăn; ăn không ngon miệng. Dần dần trẻ dễ trở thành biếng ăn.
Sau bữa ăn, cho trẻ chơi hoặc vận động nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút.