Một người mà ai trong chúng ta khi sinh ra trong cõi đời này đều có, cho dù chúng ta có ngỗ nghịch, có ương bướng, có xấu xa ra sao, cho dù mọi người nhìn chúng ta với ánh mắt như thế nào thì ánh mắt của người dành cho chúng ta không bao giờ thay đổi – dịu dàng, trìu mến và tràn ngập tình yêu thương. Và chúng ta đơn giản gọi người là: “Mẹ!”. Đó là những tâm sự của Nguyễn Thị Ánh Ngọc tại cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2013”. Bài thuyết trình của Ngọc về những vất vả và sự hy sinh của mẹ mình cũng như biết bao người mẹ có con bị khuyết tật đã khiến cả khán phòng lắng xuống, nghẹn ngào - đó cũng là phần thi Tài năng xuất sắc nhất của cuộc thi và đã góp phần đem về cho Ngọc danh hiệu Hoa khôi người khuyết tật Việt Nam.
Người mẹ trong bài thuyết trình và cũng là người đã đồng hành với Ánh Ngọc trên mọi nẻo đường đó chính là chị Trần Thị Giầu ở thị trấn Minh Tân huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Đứng bên con trong giây phút đăng quang, lòng người mẹ như chị Giầu nghẹn lại, anh chị chỉ biết nắm vai con thật chặt để động viên con tiếp tục những cuộc hành trình.
Cuộc sống của mỗi người đều là những cuộc hành trình nhưng cuộc sống của gia đình chị Giầu là nối tiếp, là chồng chất những hành trình mà ở đó mồ hôi, nước mắt nhiều hơn nụ cười, thảnh thơi thì ít mà nhọc nhằn, vất vả thì nhiều. Nhưng trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi về những hành trình ấy tuyệt nhiên không có sự bi quan, chỉ có một suy nghĩ giản đơn: con đường ấy là của mình và mình phải bước đi.
Chị Giầu kể rằng cuộc sống gia đình mình bắt đầu “gập ghềnh” kể từ khi phát hiện Ánh Ngọc bị cong vẹo cột sống lúc 9 tháng tuổi. Chuỗi ngày đưa con vào ra bệnh viện không tính được, khi lên 4 tuổi bé Ngọc lại phải mặc “áo giáp” để chỉnh cột sống. Nhìn con khó chịu, đau đớn, xây xước vì chiếc áo nhựa chị Giầu chỉ biết khóc thầm, ước mong con mình có thể vui đùa thoải mái như bao đứa trẻ khác khiến chị Giầu luôn đau đáu việc phẫu thuật cho con. Năm 2005, ánh sáng hy vọng đã đến với gia đình chị khi Ngọc là 1 trong 7 bệnh nhân được Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ người Pháp chọn để phẫu thuật. Dẫu biết rằng vẫn có 25% rủi ro nhưng chị Giàu thống nhất với chồng, bán hết ruộng đất, vay mượn để có 100 triệu chi phí và ký cam kết phẫu thuật cho con. Số phận đã quay lưng với gia đình chị, Ngọc rơi vào số % rủi ro, không thể có một hình dáng bình thường lại còn bị liệt nửa người, mất khả năng đi lại. Khi con tỉnh dậy và hỏi “Mẹ ơi, chân con đâu rồi?” là giây phút đớn đau trong cuộc đời chị. Chị Giầu suy sụp, mọi thứ tối sầm trước mắt. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ của con chị biết mình không thể gục ngã, bây giờ con càng cần có chị ở bên, chăm sóc, động viên. Chị đã đứng dậy, lạc quan xác định con đường phía trước của gia đình mình, của bản thân mình. Con đã không còn đôi chân, chị chính là đôi chân của con. Sau này khi học đến lớp 12 Trường THPT Nhị Chiểu (huyện Kinh Môn), trong một bài tri ân đối với những người thân yêu, Ánh Ngọc đã viết: “Mẹ đã dạy cho tôi hiểu rằng, con người phải biết vươn lên từ trong bất hạnh, học cách chấp nhận và vượt qua, biết sống vì mọi người”. Người mẹ, người vợ như chị Giầu đã nuôi dưỡng được tinh thần sống, phong cách sống ấy trong gia đình của mình. Hơn 10 năm qua, gia đình chị 4 người đã đồng hành cùng nhau. Anh chị nói rằng, mình cùng con đi, để con thấy rằng bản thân không phải là gánh nặng cho bố mẹ và bố, mẹ, em gái cũng không có cảm giác đó là gánh nặng, đó đơn giản là con đường của gia đình chúng ta. Chính những ngọn lửa ấm áp ấy đã giúp cho Ánh Ngọc, mặc dù bị khuyết tật nhưng thành tích học tập luôn dẫn đầu lớp trong suốt 12 năm học phổ thông. Quyết tâm thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội cả 2 khối A và D, em đỗ vào khoa Công nghệ thông tin (ĐH Khoa học Tự nhiên) và khoa Tâm lý học (ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn). Chọn học khoa Tâm lý và đạt danh hiệu Hoa khôi Người khuyết tật Việt Nam khi đang là sinh viên năm thứ 3, hiện nay, Ngọc đã tốt nghiệp Đại học và đang làm việc tại Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC). Đi học hay đi làm, trên hành trình của Ngọc, chị Giầu vẫn cùng con “lăn bánh”. Sau khi phẫu thuật, cuộc sống của Ngọc gắn với chiếc xe lăn, nhà cách trường 3 km, chị Giầu sớm tối cùng con đi học. Con thức khuya học bài đến khi nào là chị thức đến khi ấy. Chặng đường con đi thi, rồi 4 năm học Đại học ở Hà Nội, người ta vất vả một thì mẹ con chị vất vả trăm. Chỉ riêng việc vệ sinh cá nhân cho Ngọc hay việc đi lại bằng xe lăn hoặc việc điều trị những vết loét do ngồi nhiều dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng cũng vô cùng vất vả. Con học xa nhà, thêm chi phí về chỗ ở, đi lại, chị cũng không thể thường xuyên trực tiếp chăm con mà có lúc phải thuê người,….Vậy nhưng chị không một lời than vãn. Tình yêu thương của người mẹ với đứa con chịu nhiều thiệt thòi nhưng giàu nghị lực đã thôi thúc chị, khiến chị thêm mạnh mẽ.
Hoàn cảnh gia đình rất nhiều khó khăn nhưng chị Trần Thị Giầu không coi đó là cản trở, chị là người tích cực tham gia công tác xã hội: Là Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ, Ủy viên BCH, Chi hội trưởng - Hội phụ nữ thị trấn Minh Tân, Chi ủy viên Chi bộ 4 và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn. Làm việc gì, ở tổ chức nào chị cũng là người trách nhiệm, nhiệt tình và có uy tín, được bà con quý mến. Kinh tế gia đình chị còn nhiều thiếu thốn, lương bảo vệ của anh Nguyễn Văn Diễn chồng chị và lương bán chuyên trách của chị chỉ đủ chi tiêu eo hẹp nhưng chị luôn quan tâm, chia sẻ với mọi người từ những việc thường nhật như mua vỉ thuốc, gói mì chính cho cụ già đến việc dùng uy tín của mình để vay nợ, quyên góp cho những phụ nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Chị nói rằng mình nghèo vẫn có thể giúp được người khác, miễn là mình có tấm lòng, “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Vợ chồng chị Giầu còn là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của huyện Kinh Môn. Từ năm 2010 đến nay, chị đã tham gia hiến máu 7 lần còn anh Diễn đã hiến máu 5 lần. Bản thân chị cũng vận động được 5 – 6 người đi hiến máu, nhiều người ban đầu còn e dè, lo lắng nhưng khi được chị tuyên truyền, vận động lại thấy bản thân chị tích cực nên đã tự nguyện làm theo. Nguyễn Thị Ngọc Ánh là con gái thứ 2 của anh chị hiện đang học lớp 12 Trường THPT Nhị Chiểu cũng noi gương bố mẹ, noi gương chị tích cực tham gia công tác xã hội ở trường, ở khu dân cư. Năm 2014, với bài viết về chính chị gái của mình, Ngọc Ánh đã đạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi viết “Gương nghị lực phi thường” (thuộc khuôn khổ Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Báo Thanh Niên và Đài Truyền hình Việt Nam – Ban Thanh thiếu niên VTV6).
Trong căn nhà nhỏ của gia đình chị, những Bằng khen, Giấy khen, những hình ảnh kỷ niệm đáng nhớ của các thành viên được treo trang trọng gần như kín tường. Đó đều là những thành tích, những hoạt động vì cộng đồng, đó là sự ghi nhận về những cống hiến trong công tác xã hội của mỗi người. Con gái chị đã tỏa sáng với một nghị lực sống phi thường thì bản thân chị Giầu cũng ngời sáng đức hy sinh, tấm lòng yêu thương vô hạn của một người mẹ và lòng nhân ái của một người phụ nữ. Đúng như Ánh Ngọc đã chia sẻ “Có một người đã hi sinh thời gian, sức khỏe, niềm vui của bản thân để giữ cho con những giấc ngủ yên bình, những bước đi rắn rỏi, những tiếng nói cười hạnh phúc. Đó là Mẹ”. Mong cho những hành trình tiếp theo của gia đình chị luôn tràn ngập tiếng cười, ngọn lửa của nghị lực, niềm tin luôn thắp sáng trong mái ấm gia đình anh chị.
Nguyễn Thị Lâm - Ban Tuyên giáo