PHÁT BIỂU KHAI MẠC
Hội nghị Tổng kết 03 năm triển khai Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017- 2020
Đ/c Hà Thị Nga, Bí thư Đảng Đoàn
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Kính thưa đ/c Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Kính thưa đ/c……………….
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Hôm nay, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017- 2020 nhằm đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Hội LHPN các cấp và Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội thời gian qua, đồng thời tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 từ Trung ương đến địa phương. Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị và lãnh đạo 2 cơ quan phối hợp, tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt rất đông đủ của các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, khách quý tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và điểm cầu ở các tỉnh/thành phố ngày hôm nay. Xin gửi tới các đồng chí lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công nhân dịp năm mới 2021. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Kính thưa các đồng chí!
Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam được ký kết năm 2002, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt bởi lẽ những hoạt động phối hợp giữa công an và phụ nữ xuất phát từ góc độ gia đình, lấy gia đình là thiết chế bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước sự tấn công của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Việc thực hiện Nghi quyết đã góp phần can thiệp sớm ngay từ gia đình, có ý nghĩa rất lớn trong việc vận động các tầng lớp phụ nữ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, giáo dục con em, người thân của mình và tham gia cùng cộng đồng trong giáo dục thanh thiếu niên, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết, hai ngành đã bổ sung, điều chỉnh, phát triển, mở rộng cả về đối tượng từ quản lý, giáo dục con em trong giai đoạn trước năm 2012 phát triển thành quản lý, giáo dục người thân; từ phối hợp tuyên truyền trong cộng đồng tới giáo dục nữ phạm nhân đang chấp hành án; cách thức phối hợp ở từng cấp đều có sự đổi mới với nhiều mô hình dựa vào cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia bảo đảm an ninh trật tự. Những điều chỉnh kịp thời đó thể hiện cách thức phối hợp chặt chẽ ở cấp tham mưu thực hiện, hướng tới hoạt động thực chất, đi vào chiều sâu, quan tâm trực tiếp đến các đối tượng đặc thù cần thay đổi hành vi.
Qua 3 năm triển khai (giai đoạn 2017- 2020), Nghị quyết liên tịch 01 của hai ngành công an- Hội phụ nữ đã thực sự có nhiều đổi mới về công tác chỉ đạo, nội dung, hình thức triển khai. Các hoạt động từ tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của các đối tượng nguy cơ cao cho đến công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội trong cộng đồng đều đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận ở tất cả các cấp.
Các sự kiện truyền thông theo chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong năm 2019 và 2020 như Diễn đàn “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai”, Giao lưu “Thắp lửa trên đường về”, “Vì ngày mai tươi sáng”... cùng các mô hình phòng chống tội phạm dựa vào gia đình, dựa vào cộng đồng đã đóng góp thiết thực vào kết quả của Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch do Hội LHPN Việt Nam phát động, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nghị quyết liên tịch 01 đã khẳng định hiệu quả trong tham gia thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Trong 3 năm qua, đã xuất hiện nhiều gương cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an và cán bộ Hội phụ nữ các cấp sát cánh, phối hợp chặt chẽ trong công cuộc phòng, chống tội phạm và cảm hoá những người lầm lỡ, để gia đình thực sự là mái ấm bình yên, là bến đỗ, chốn đi về của mỗi người.
Những thành công trong hoạt động phối hợp thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ của lãnh đạo hai ngành từ Trung ương đến địa phương đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, kịp thời điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với thực tiễn diễn biến ngày càng phức tạp và tình trạng trẻ hoá của các loại hình tội phạm như hiện nay.
Kính thưa các đồng chí!
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay đã phát sinh các loại tội phạm mới, phi truyền thống, các loại tội phạm xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao ngày càng đe doạ sự bình yên của mỗi gia đình và cộng đồng. Tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em như xâm hại tình dục, mua bán người, lừa đảo qua mạng internet, bạo lực gia đình v.v ngày càng tinh vi khiến cho xã hội, trong đó có phụ nữ đặc biệt lo lắng. Tình trạng phụ nữ bị lôi kéo tham gia các vụ gây mất trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết trong thời gian qua, để tiếp tục có cơ sở cho việc triển khai các nội dung phối hợp giữa hai ngành trong thời gian tới, tôi đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, từ những bài học kinh nghiệm và kết quả triển khai trên thực tế trong 3 năm qua để tiếp tục tham gia ý kiến đóng góp vào sự thành công của Hội nghị.
Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị, tôi xin nêu một số vấn đề để Hội nghị quan tâm, tập trung thảo luận:
- Thứ nhất, trong điều kiện sự phối hợp giữa hai ngành chúng ta được đưa vào nội dung chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2020- 2023, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, chúng ta cần quan tâm lựa chọn vấn đề ưu tiên nào, cách thức phối hợp ra sao… để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sát thực với tình hình của từng địa bàn, từng cấp.
Ví dụ: khu vực Tây Nam Bộ nhức nhối tội phạm xâm hại trẻ em, kết hôn với người nước ngoài với mục đích không trong sáng. Miền núi phía Bắc là vấn đề làm sao để con em không vi phạm ma tuý, ở các đô thị, thành phố lớn là làm sao để trẻ em tránh xa các trò chơi games, xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội…
- Thứ hai, đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành. Ở cấp tỉnh/thành, các đồng chí nghiên cứu cách thức để duy trì hoạt động phối hợp cho phù hợp và hiệu quả hơn nữa trên cơ sở đã thiết lập được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Hội phụ nữ với ngành công an và các trại giam trong thời gian vừa qua.
- Thứ ba, cần nghiên cứu cách thức truyền thông mới để tận dụng được thành quả của quá trình phát triển kinh tế số của đất nước, phát huy sáng tạo, đổi mới cách làm sao cho hiệu quả và tiết kiệm, tránh hình thức mà thông tin đúng và đủ vẫn đến được với hội viên phụ nữ nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung. Chú trọng sử dụng truyền thông điện tử để có cách tiếp cận phù hợp với giới trẻ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho phụ nữ trẻ, cho thanh thiếu niên.
- Thứ tư, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, hai ngành cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả tại cơ sở, dựa vào cộng đồng, phát huy tinh thần làm chủ của hội viên, phụ nữ để sớm phát hiện, phản ánh và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm nóng. Đặc biệt với việc tăng cường công an chính quy về các xã sẽ là thuận lợi lớn trong công tác phối hợp giữa hai ngành trong thời gia tới.
Nếu chúng ta thống nhất và có những giải pháp hiệu quả thực hiện tốt một số nội dung nêu trên, tôi tin tưởng rằng công tác phối hợp giữa công an và Hội phụ nữ sẽ được giữ vững, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Kính thưa các đồng chí,
Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội phụ nữ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022- 2027. Trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội, Hội LHPN Việt Nam xác định an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em tiếp tục là nội dung ưu tiên cần quan tâm giải quyết. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021- 2025 hướng về các xã khó khăn vùng biên giới.
Năm nay cũng là năm toàn ngành Công an triển khai đồng bộ, toàn diện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, trong đó có nhiệm vụ “Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tăng cường và nâng cao hiểu quả hợp tác quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước.
Vì vậy, các cấp Hội phụ nữ mong sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng hành của cán bộ, chiến sỹ và lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Công an trong tăng cường hoạt động phòng chống tội phạm ma tuý, mua bán người, hạn chế tình trạng di dân không an toàn qua biên giới, đồng thời hỗ trợ Hội Phụ nữ cơ sở tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hiệu quả để phòng ngừa từ xa tệ nạn xã hội và tội phạm, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
Với ý nghĩa đó, thay mặt lãnh đạo hai ngành, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Tổng kết 03 năm triển khai Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017- 2020.
Xin trân trọng cảm ơn!