Mô hình truyền thông lồng ghép về “Phòng chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi” (gọi tắt là mô hình TTLG) hình thành và phát triển dựa trên các mô hình sẵn có của Hội như: CLB Mẹ chồng nàng dâu, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB Nói không với bạo lực gia đình…. Mô hình được triển khai thí điểm tại 10 CLB của 8 xã thuộc 2 huyện Kinh Môn và Thanh Miện từ năm 2012, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số liên hợp quốc, thông qua dự án“Phòng chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc người cao tuổi” (gọi tắt Dự án VNM8P08).
Với tiêu chí, không xây dựng các CLB mới mà chỉ lồng ghép truyền thông 3 nội dung về Phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi trong sinh hoạt của các CLB có sẵn, mô hình tập trung vào việc kiện toàn Ban chủ nhiệm CLB thành Ban quản lý mô hình TTLG gồm 5 chị em, phát triển thêm thành viên đảm bảo mỗi mô hình có từ 30 đến 50 thành viên tham gia (bao gồm cả nam và nữ), đồng thời ra quy chế định kỳ sinh hoạt 1 tháng/lần vào 1 ngày cố định trong tháng. Để chuyển tải các nội dung sinh hoạt của mô hình, tăng hiệu quả truyền thông, cùng với các thành viên của Ban quản lý, mỗi mô hình đều xây dựng một nhóm truyền thông nòng cốt. Đội ngũ này được tập huấn nâng cao kiến thức, cung cấp các kỹ năng truyền thông đặc biệt được tiếp cận với phương pháp truyền thông mới, sử dụng các loại kịch sân khấu hóa như: kịch bóng mờ, kịch có lời thoại, kịch tượng..., được hướng dẫn các trò chơi, làm thẻ màu, triển lãm,.. cách tổ chức thảo luận nhóm, xây dựng câu chuyện tình huống... Sau tập huấn, các anh chị trong Ban quản lý và nhóm truyền thông nòng cốt của mô hình đã chủ động sáng tác các tiểu phẩm và tham gia diễn xuất các sản phẩm kịch truyền thông sáng tạo; tư vấn cho các thành viên về những vấn đề có liên quan đến bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…Đặc biệt, để giúp các chị trong ban quản lý mô hình có thêm cơ hội được học hỏi, rèn luyện kỹ năng của mình, Hội phụ nữ các cơ sở đã chủ động tổ chức cho chị em đi học tập kinh nghiệm tại các mô hình của xã lân cận qua hình thức: tham dự buổi sinh hoạt; cử nhóm văn nghệ sang giao lưu, trình diễn các tiểu phẩm, thơ ca, hò vè. Đây là một hình thức học tập rất hiệu quả của các mô hình. Cùng với đó, định kỳ hàng tháng, Hội LHPN cấp tỉnh và huyện đều thực hiện giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình thông qua việc dự sinh hoạt, trực tiếp trao đổi, góp ý với ban quản lý để rút kinh nghiệm trong tổ chức điều hành.
Việc chuẩn bị kỹ các nội dung, sử dụng hiệu quả các phương pháp truyền thông đã thúc đẩy sự tham gia của các thành viên với tỷ lệ tham gia sinh hoạt đạt trên 90%. Tại mỗi buổi sinh hoạt, nhiều ý kiến trao đổi được chia sẻ tạo không khí sôi nổi, vui vẻ, hào hứng và hiệu quả. Với phương châm “Lấy thành viên làm trung tâm”, 32 chủ đề xoay các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi được chuyển tải tới các thành viên một cách nhẹ nhàng, được các thành viên mô hình trao đổi, thảo luận và trải nghiệm giúp chị em dễ hiểu, dễ dàng ghi nhớ và áp dụng thực hiện. Qua mỗi kỳ sinh hoạt, luôn có sự thay đổi tích cực về mặt nhận thức và chuyển đổi hành vi. Nhiều chị có nguy cơ cao sinh con thứ ba sau khi tham gia sinh hoạt mô hình đã thay đổi quan điểm, có chị là nạn nhân bị bạo lực gia đình đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình, tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ để chấm dứt tình trạng bạo lực; biết cách ứng phó với những hành vi bạo lực trong gia đình để tránh tổn thương cho bản thân và con cái. Cũng chính từ hoạt động của mô hình, nhiều anh, chị trước đây là nạn nhân, là người gây ra bạo lực gia đình giờ đã trở thành những tuyên truyền viên nòng cốt, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo sức ảnh hưởng lớn trong truyền thông.
Không chỉ làm tốt vai trò chuyển tải thông điệp truyền thông trong các buổi sinh hoạt của mô hình, nhóm truyền thông nòng cốt của các mô hình còn phát huy tốt trong các sự kiện truyền thông cộng đồng lớn của tỉnh như: Tọa đàm về "Mất cân bằng giới tính khi sinh và trách nhiệm của chúng ta"; Giao lưu mô hình truyền thông lồng ghép với chủ đề "Giới và mất cân bằng giới tính khi sinh"; mít tinh về “Mất cân bằng giới tính khi sinh”, Giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trao lời yêu thương” nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25/11...
Sau 3 năm triển khai thí điểm, có thể khẳng định, mô hình truyền thông lồng ghép đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư. Điểm mấu chốt thành công của mô hình phải kể đến là đội ngũ ban quản lý được lựa chọn hội tụ khá đầy đủ các tiêu chuẩn, được đào tạo bài bản qua các khóa tập huấn từ nội dung, kỹ năng điều hành sinh hoạt đến các phương pháp sáng tạo trong truyền thông thay đổi hành vi. Với phương châm, học đi đôi với hành, ở tất cả các khóa tập huấn đều dành 50% cho thực hành tại lớp học hoặc diễn tập thực tế tại các mô hình. Chính bởi vậy, kiến thức, kỹ năng và phương pháp điều hành của ban quản lý khá tốt, nhiều chị trưởng thành hơn khi đảm nhận vai trò chủ nhiệm mô hình.
Thực tế cho thấy, các mô hình truyền thông lồng ghép hoạt động rất hiệu quả và thiết thực, nhận được sự đánh giá cao của dự án và các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các thành viên tham gia mô hình cũng như cộng đồng dân cư. Với hướng đi lồng ghép các nội dung cần truyền thông và áp dụng những phương pháp tích cực, sáng tạo vào các kỳ sinh hoạt là một kinh nghiệm hay giúp cho các CLB đã được thành lập tăng tính hiệu quả và duy trì tính bền vững