Một số vấn đề cha mẹ cần quan tâm trong việc giáo dục con

1. Các vấn đề quan trọng trong giáo dục trẻ

Cần rèn luyện cho trẻ nền nếp học tập và đức tính tốt như tự tìm tòi, suy nghĩ, sinh hoạt điều độ, đúng giờ, ngăn nắp, gọn gàng vệ sinh, có thói quen đọc sách báo phù hợp với lứa tuổi…; có kế hoạch để thời gian vui chơi, học tập của trẻ phù hợp với sinh hoạt của gia đình và sự phát triển của trẻ.

Tạo điều kiện về vật chất giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt. Không nên quá chiều và cũng không nên để trẻ quá thiếu thốn tiện nghi phục vụ cho học tập, sinh hoạt.

Gia đình cần thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm rõ tình hình học tập của trẻ, từ đó có phương pháp nâng cao chất lượng học tập cho con.

Thường xuyên giáo dục cho trẻ hiểu văn hóa lao động, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tiêu dùng, văn hóa giao tiếp… Rèn luyện cho trẻ ý thức, thói quen lao động giản đơn hằng ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu như lười nhác, ỷ lại, dựa dẫm, cẩu thả…

Giáo dục cho con ý thức tiết kiệm và biết quý trọng đồng tiền làm ra từ sức lao động của mình. Các thói xấu sớm hình thành ở trẻ như ham tiền, đua đòi, ăn chơi vô bổ cần được ngăn chặn sớm vì điều này dễ dẫn trẻ vào con đường hư hỏng.

Cần giáo dục cho con ý thức, nếp nghĩ, cử chỉ, lời nói lễ phép, khiêm tốn, tế nhị, lịch sự, tránh thái độ cục cằn, nói năng thô tục, vô lễ… Trang phục đầu tóc hằng ngày gọn gàng đẹp đẽ, hợp với hoàn cảnh của gia đình và truyền thống đạo đức của dân tộc.

2. Một số bí quyết nuôi dạy trẻ thành công

Kỷ luật là dạy cho trẻ biết những gì nên làm và không nên làm: bao gồm việc phạt những hành động mà trẻ vô tình phạm lỗi. Hãy kiên trì hiểu biết và tha thứ cho con nhưng cũng cần kiểm soát những quy định mà mình đặt ra với trẻ một cách kiên định, công bằng và thường xuyên.

Khen thưởng sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng, tự tin ở trẻ. VD: khi đạt điểm 10, việc khen ngợi con giúp trẻ hiểu rằng mình đã cố gắng và đã làm cho bố mẹ hài lòng, khi con chia sẻ đồ chơi cùng bạn, việc khen con sẽ khiến trẻ hiểu mình vừa làm được một việc tốt và có ích. Khen thưởng cần có nội dung, cần rõ ràng và đúng thời điểm; bằng lời nói, hoặc hình thức khác như đưa con đi chơi, tặng quà… để tạo động lực cho thói quen hành vi đúng đắn của trẻ.

Tạo những thói quen tốt cho trẻ ngay từ nhỏ như ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa, học tập, vui chơi điều độ, biết xin lỗi khi sai và cảm ơn khi được giúp đỡ… để trẻ có một lịch trình trong ngày ổn định, có khoa học.

Nhất quán và dứt khoát: với những hành động chưa đúng của trẻ, hãy nghiêm khắc, nhưng gần gũi, hướng dẫn trẻ làm theo đúng những gì bạn đã nói và làm với trẻ.

Luôn giải thích cho trẻ hiểu: Khi từ chối hoặc không bằng lòng với trẻ điều gì, bạn nên giải thích tại sao và như thế nào để trẻ hiểu và không hành động như vậy nữa.

Luôn biết kiềm chế cảm xúc của mình, không thể cứ lúc nào không vui, không vừa ý là bạn lại quát mắng, đánh chửi con trẻ. Hãy bình tĩnh kiểm soát mọi việc và không nên la hét hay đối xử không công bằng với con.

Đặt ra những ranh giới cho trẻ: bạn cần nói cho trẻ hiểu những gì được phép làm và không được phép làm để giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp, hình thành thói quen nghe lời cha mẹ.

Dạy trẻ có ý thức, có trách nhiệm với hành vi, lời nói, việc làm của mình: hãy tập cho trẻ tự ăn, tự đánh răng, tự dọn dẹp đồ chơi và phòng ngủ của mình. Hãy dứt khoát trước những việc bạn đã đề ra cho trẻ để trẻ ý thức được trách nhiệm của mình hoàn thành công việc đó.

3. Những điều cần tránh trong việc giáo dục trẻ

Tránh sợ trẻ khóc vì nếu trẻ đã biết lợi thế của việc khóc thì chúng sẽ luôn khóc, hờn dỗi, vòi vĩnh để thỏa mãn những nhu cầu của mình, dần dần trẻ có thói quen xấu, luôn khóc để uy hiếp cha mẹ. Hãy dứt khoát trong lời nói và hành động với trẻ, kiên quyết không nhân nhượng trước những đòi hỏi bất hợp lý của trẻ. Nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc thì hãy giả vờ bỏ mặc trẻ, không quan tâm đến tiếng khóc của trẻ, dần dần trẻ sẽ tự hiểu rằng “khóc cũng chẳng ích lợi gì”.

Tránh nóng vội bắt con thực hiện ngay yêu cầu của mình. Đồi với những hành vi, thói quen chưa đúng, hãy dạy con từng bước để trẻ nhận thức điều gì đúng, nên làm và ngược lại. Nếu luôn nóng vội, bạn sẽ tạo áp lực cho trẻ, khiến trẻ thiếu tự tin và nghĩ rằng mình không thể làm được việc gì.

Tuyệt đối tránh dọa dẫm, gây áp lực cho trẻ: việc bắt trẻ học suốt ngày, luôn trách phạt, đánh mắng, dọa nạt trước mỗi hành động của trẻ rất có hại cho sức khởe và tinh thần của trẻ. Hãy ghi nhận những hành động tích cực của trẻ và khuyến khích trẻ hành động, tránh kìm hãm tư duy của trẻ. Hãy để con học và vui chơi giải trí một cách điều độ và phù hợp.

Không lấy đi sự tự do của trẻ: hãy luôn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ; không can thiệp; quá nhiều vào các hoạt động của trẻ, hãy để trẻ tự chủ trong sinh hoạt và học tập. Tuy nhiên hãy luôn theo dõi, khuyến khích, động viên trẻ hành động đúng đắn.

Không nên hạn chế trẻ tự do giao tiếp: có nhiều bậc cha mẹ luôn lo sợ con mình ra ngoài xã hội sẽ bị bắt nạt, tổn thương hay gặp nguy hiểm nên luôn bao bọc con trong môi trường gia đình. Việc không cho con tiếp xúc với mọi người sẽ làm cho trẻ trở nên chậm chạp, nhút nhát, kém hòa đồng, trí lực chậm phát triển. Vì vậy cần giúp con có được sự tự tin trong giao tiếp với bên ngoài, định hướng cho con một môi trường giao tiếp trong sạch, lành mạnh.

4. Cha mẹ là nhà giáo dục

Cần thể hiện tình yêu thương đối với con có như vậy mới hình thành ở con lòng thương mến cha mẹ, thương mến những người xung quanh, từ đó mà hướng về cha mẹ, dõi theo cha mẹ để học tập.

Cần linh hoạt trong phương pháp giáo dục cần mềm dẻo nhưng cương quyết; khích lệ trẻ phát huy những ưu điểm và đức tính tốt; kỷ luật cần mang tính răn đe hơn là trừng phạt.

Cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Trẻ học tập thông qua việc quan sát và bắt chước. Hình ảnh về cha mẹ, lối sống và cách ứng xử của ông bà, cha mẹ, anh chị sẽ được khắc ghi sâu đậm trong tâm trí trẻ, từ thói quen dần dần trở thành tính cách của trẻ.

Không nên đánh con, hãy giáo dục con thay vì trừng phạt. Khi bạn đánh con là bạn đã vô tình dạy trẻ có thể sử dụng bạo lực khi bực tức, giận giữ và hình thành quan điểm vũ lực có thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy cần bình tĩnh, tránh căng thẳng. Khi con làm sai, bạn nên ân cần chỉ ra những hậu quả từ việc làm sai của trẻ. Ví dụ: Khi trẻ vừa ăn vừa nghịch trên bàn ăn làm ảnh hưởng đến mọi người, bạn có thể nói: “Hoặc là con đừng nghịch hoặc là con phải rời bàn ăn ngay” và sau đó có thể nói: “con có thể trở lại bàn ăn nếu con thực sự muốn ăn và không nghịch”. Trẻ sẽ hiểu về sai lầm của mình và có ý thức trách nhiệm với việc làm của mình.

Tránh kỳ vọng quá cao hoặc đánh giá quá thấp khả năng của trẻ. Cần nắm được thực lực và khả năng của con mình để có những định hướng đúng đắn cho con, tránh kỳ vọng quá cao, vượt quá khả năng của trẻ để sau đó bạn thì thất vọng còn trẻ cảm thấy có lỗi với cha mẹ. Ngược lại, việc đánh giá thấp khả năng của trẻ khiến trẻ tự ti, không có cơ hội phát triển năng khiếu, năng lực của mình.

Không nên làm hộ trẻ. Nếu không để trẻ tự làm, tự suy nghĩ, động não thì trẻ sẽ không có được khả năng độc lập, tự chủ và sau này lớn lên sẽ trở thành người có thói quen dựa dẫm vào người khác.

Tránh mâu thuẫn trong giáo dục con. Cha mẹ nhất định phải thống nhất với nhau trong cách ứng xử với con. Trước khi nói với trẻ, cha mẹ phải trao đổi với nhau tránh mâu thuẫn vễ quan điểm giáo dục con, chẳng hạn, bố nói: “Con phải làm bài xong rồi mới được xem tivi” thì mẹ lại bảo: “thôi, cho con nó xem một lúc, chốc nữa làm bài cũng được.” Kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy thì rất khó dạy con nên người.

Cha mẹ hãy trở thành người bạn tin tưởng đối với con. Thường xuyên chia sẻ với con niềm vui, nỗi buồn, cùng con tìm hiểu nguyên nhân thành công hoặc rút kinh nghiệm khi trẻ làm hỏng việc gì đó. Hãy trân trọng những thành tích, giải thưởng mà con đạt được dù nhỏ bởi những việc làm đó sẽ tạo niềm tin, sự phấn khích, hăng say trong lao động và học tập cho trẻ.

Ban GĐXH (tổng hợp)

Các tin mới hơn
Phụ nữ trong nền kinh tế số(28/09/2022)
Chuyên gia tài chính chỉ ra 3 cách tối ưu hóa tiết kiệm(04/08/2022)
Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại(05/07/2022)
5 kinh nghiệm cán bộ Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp(01/07/2022)
12 bài học khởi nghiệp của nữ Giám đốc điều hành Sunrun 12/06/2022(01/07/2022)
Các tin cũ hơn
8 nguyên tắc cần nhớ đối với người phụ nữ thành đạt(06/08/2019)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Cổng thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương
Địa chỉ: Đường Đỗ Ngọc Du, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương
Điện thoại: 0320 3.897590 Fax 0320.3.897.593
Trưởng Ban biên tập: Bà Trần Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội
 
 
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín