Chăm sóc trẻ từ 3 đến 6 tuổi giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi – là thời điểm các bé bắt đầu đi mẫu giáo; trẻ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ

Trong độ tuổi này, trẻ rất hiếu động nên nhu cầu năng lượng khá lớn mặt khác trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, do đó không tránh khỏi việc trẻ phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều nguồn không vệ sinh. Vì vậy để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng giúp trẻ phát triển về thể chất và trí tuệ đồng thời để tránh được một số bệnh đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cần tạo cho trẻ một thói quen dinh dưỡng và vệ sinh khoa học.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục cung cấp cho các bậc cha mẹ về một số lưu ý trong việc chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Hy vọng rằng các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ có thể áp dụng để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện.

1. Chăm sóc sức khỏe trẻ em 3-6 tuổi.

a. Vệ sinh thân thể.

- Trẻ cần được tắm gội, rửa mặt hằng ngày, nhất là mùa hè. Hằng tuần, nên cắt móng tay cho trẻ vì móng tay dài là nơi chứa các vi trùng và vi khuẩn gây bệnh.

- Cần rửa tay cho trẻ sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi.

- Trong khi chăm sóc vệ sinh cho trẻ, bố mẹ vừa làm vừa giải thích để trẻ hiểu tại sao phải rửa tay sạch. Bước đầu hướng dẫn cho trẻ từ 2 tuổi tự rửa tay và tự lau khô.

b. Vệ sinh răng miệng

- Tập cho trẻ 3 tuổi đánh răng hằng ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

- Để phòng sâu răng cho trẻ, không nên cho trẻ ăn quà vặt, nhất là kẹo, bánh ngọt.

- Khám răng định kỳ để phát hiện sớm sâu răng và chữa trị kịp thời.

c. Vệ sinh tai, mũi, họng

Tai mũi họng của trẻ nhỏ, hẹp, ngắn nên dễ nhiễm bẩn và nhiễm lạnh. Họng lại thông với tai, mũi, miệng, khí quản nên bị viêm họng dễ gây viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Cần chú ý:

- Giữ ấm cổ, ngực và đôi chân trẻ về mùa đông.

- Không dùng vật cứng ngoáy tai, mũi của trẻ.

- Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ.

d. Vệ sinh đôi mắt.

- Trẻ phải có khăn mặt riêng, không dùng chung chậu với người lớn. Hằng ngày giặt khăn bằng xà phòng và phơi nắng.

- Cần cho trẻ ăn rau xanh để phòng bệnh quáng gà, khô mắt.

- Để tránh bệnh cận thị, không bắt trẻ đọc sách quá sớm, không xem tranh ảnh ở những nơi thiếu ánh sáng.

- Nên cho trẻ ra chơi dưới ánh sáng tự nhiên.

e. Về quần áo, giày dép.

- Nên cho trẻ mặc quần áo bằng những loại vải bông mềm, dễ thấm mồ hôi; không nên dùng các loại vải dệt bằng sợi tổng hợp hoặc pha nylông.

- Về mùa hè: Nên mặc quần áo rộng rãi, vải mỏng, dễ thấm mồ hôi.

- Về mùa đông: Mặc cho trẻ đủ ấm, không được để trẻ lạnh hai chân, không cho trẻ ngồi bệt xuống đất.

- Nên dùng loại giày dép hơi rộng hơn so với chân trẻ một chút, dép mềm mỏng, nhẹ, dễ cởi, có quai sau cho trẻ dễ đi. Không dùng dày dép quá cứng, mũi nhọn, guốc hoặc dép kiểu xỏ quai vào kẽ ngón.

2. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 3-6 tuổi

a. Nguyên tắc chung

- Trẻ em từ 3 tuổi trở đi hằng ngày sẽ được ăn chung bữa với gia đình, đối với trẻ em đi mẫu giáo, ban ngày trẻ sẽ được ăn từ 1-2 bữa tại lớp theo chế độ ăn mẫu giáo tùy theo nhóm tuổi, chiều về sẽ ăn bữa tối cùng với gia đình, vì vậy giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cô giáo phải có sự trao đổi về khẩu phần và khối lượng thức ăn hằng ngày của trẻ để điều chỉnh cho phù hợp.

- Yêu cầu dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ cần được đảm bảo về số lượng bữa ăn trong ngày bao gồm: 3 bữa chính (Cơm/cháo, thịt, cá, trứng, đậu, rau quả) và 2 bữa phụ là sữa/bánh quy hoặc trái cây. Chế độ ăn và thức ăn cần được chế biến phù hợp với lứa tuổi.

- Cần chú ý đến việc đảm bảo cung cấp cho trẻ đủ 3 nhóm thức ăn: nhóm thức ăn vận động (gồm các chất bột đường, dầu mỡ...), nhóm thức ăn xây dựng (gồm các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, sữa...) và nhóm thức ăn bảo vệ (gồm các loại rau, trái cây... cung cấp vitamin và khoáng chất).

- Cho trẻ ăn thức ăn có lợi cho sức khỏe và đúng giờ. Nên thêm sữa và các sản phẩm làm từ sữa vào giữa các bữa ăn để đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho sự phát triển hệ xương của trẻ vì đây là giai đoạn phát triển mạnh về chiều cao, cân nặng của trẻ.

- Hạn chế cho trẻ uống nước ép trái cây và những thức uống có đường. Hãy cho trẻ ăn các loại trái cây tươi và ngũ cốc trong các bữa ăn phụ. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt do đồ ngọt có năng lượng cao nhưng giá trị dinh dưỡng thấp. Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, khuyến khích trẻ vui chơi thỏa thích để duy trì sức khỏe tốt, cân nặng theo tiêu chuẩn và chuẩn bị sức khỏe cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn đi học.

- Đối với trẻ ăn yếu, ăn chậm, lười ăn... cần biết cách vừa dạy, vừa dỗ, sao cho trẻ không ăn no, không bỏ thừa. Không để trẻ bị đói, sớm ngăn ngừa bệnh suy dinh dưỡng (thường gặp ở trẻ em nông thôn) và không nên để trẻ ăn quá nhiều ngăn ngừa bệnh béo phì (thường gặp ở trẻ em vùng thành thị).

Lưu ý: Ăn đặc, ăn thô có thể làm cho bé khát, vì vậy nên chú ý cho bé uống nước, uống thêm nước trái cây hoặc uống sữa bột pha theo công thức.

b. Một số sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn

Sử dụng chất đạm không đúng cách: Chỉ cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt, nước xương hầm... và thường chỉ cho ăn nước, không dùng cái sợ trẻ hóc... Không biết sử dụng nguồn chất đạm khác như: cá, trứng... sợ trẻ bị đầy bụng; tôm, cua... sợ trẻ ho và ỉa chảy. Không dùng các loại đậu đỗ, lạc vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng rất tốt. Ít sử dụng dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ vì cho rằng dầu, mỡ khó tiêu, gây ỉa chảy.

Không cho trẻ ăn các loại rau xanh: Thường các bà mẹ chỉ dùng nước luộc rau vì cho rằng trẻ không ăn được rau, dễ rối loạn tiêu hóa; ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước hầm để nấu cháo cho trẻ. Quan niệm như vậy là sai lầm.

c. Tạo cho bé có thói quen tự ăn một mình

Các em bé thường thích tự ăn một mình trước khi có khả năng làm được việc này một cách có hiệu quả. Mặc dù việc bé tự ăn có thể làm vương vãi thức ăn, làm bẩn quần áo, đầu tóc hoặc làm cho bữa ăn dây dưa, kéo dài nhưng bạn nên khuyến khích bé vì đây thực sự là bước khởi đầu của bé dẫn tới tự lập. Hãy giữ thái độ cởi mở đối với các bữa ăn. Nếu bé thấy bữa ăn là thời gian hấp dẫn và thích thú thì bạn sẽ càng gặp ít khó khăn về thức ăn và cách ăn uống của bé về sau.

Em bé sẽ đói vào lúc bắt đầu bữa ăn. Hãy giữ cái bát ngoài tầm tay của bé và đút từng thìa cho bé.

Khi bé thỏa mãn cơn đói lúc mới đầu, bạn hãy để cho bé tham gia nhưng bạn hãy cứ tiếp tục đút cho bé. Tập cho bé cầm thìa để xúc thức ăn  dù có bị rơi vãi.

Ban GĐXH (tổng hợp)
Các tin mới hơn
Phương pháp giáo dục '4 cần, 3 không' của cha mẹ thông minh(30/12/2022)
5 việc phụ huynh cần làm để 'dẹp yên' khi con tới tuổi nổi loạn, cãi lại cha mẹ(30/12/2022)
Chuyên gia tâm lý chỉ ra các giai đoạn khủng hoảng của trẻ(30/12/2022)
Trẻ bị mắc hội chứng rối loạn vận động (tic) do xem ti vi, sử dụng điện thoại nhiều(30/12/2022)
Có 4 điều này thì con bạn đang sống và được nuôi dưỡng trong hạnh phúc (04/08/2022)
Các tin cũ hơn
Bí quyết giúp cân bằng dinh dưỡng cho bé ngày Tết(12/09/2019)
Xâm hại trẻ em, những điều cần biết(12/09/2019)
Một số vấn đề cha mẹ cần quan tâm trong việc giáo dục con(11/09/2019)
Chăm sóc trẻ từ 0-3 tuổi – giai đoạn đặt nền móng cho cuộc đời(11/09/2019)
Tấm lòng của mẹ(10/09/2019)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Cổng thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương
Địa chỉ: Đường Đỗ Ngọc Du, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương
Điện thoại: 0320 3.897590 Fax 0320.3.897.593
Trưởng Ban biên tập: Bà Trần Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội
 
 
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín