Bạo lực gia đình đã tồn tại từ lâu trong xã hội và nó đặc biệt xảy ra đối với phụ nữ trong gia đình. Một trong những nguyên nhân chính của bạo lực gia đình đối với phụ nữ là bất bình đẳng giới.
Bình đẳng giới là nền tảng của sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau giữa nam giới và phụ nữ trong gia đình (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Bất bình đẳng giới là sự đối xử khác biệt đối với nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, tiếp cận, kiểm soát và thụ hưởng các nguồn lực. Sự phân biệt đối xử giữa nam giới và phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ có thể xem như yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
Những quan niệm xã hội về thân phận người phụ nữ là tài sản của người đàn ông hay mọi quyền lực thuộc về đàn ông đã khiến cho nam giới xem như cách ứng xử của họ với phụ nữ thế nào là quyền của nam giới trong gia đình.
Với tính gia trưởng, nam giới tự cho mình có quyền “dạy vợ”, nam giới có quyền đòi hỏi vợ con phục vụ, thực hiện những yêu cầu của mình. Người phụ nữ với vị thế lệ thuộc, phải phục tùng, làm theo. Nếu trái ý hoặc chậm trễ họ dễ bị người chồng đối xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm.
Thực tế phụ nữ cũng như đàn ông, họ sinh ra, lớn lên đều là con người. Họ cần được bình đẳng với nam giới về nhiều khía cạnh. Không có sự khác biệt gì giữa nam và nữ ở góc độ giới, nếu có chăng thì chỉ là sự khác biệt về giới tính.
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, về năng lực của nam hoặc nữ vì vậy định kiến giới cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bạo lực gia đình.
Xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã đề cao vai trò và địa vị của nam giới, hạ thấp vai trò của phụ nữ. Người phụ nữ bị trói buộc trong phạm vi gia đình và hoàn toàn bị lệ thuộc vào nam giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong định kiến giới đã hình thành nên tính gia trưởng của nam giới khiến cho họ tăng thêm cho mình uy quyền ngoài xã hội và uy lực trong gia đình khi đối xử với phụ nữ.
Các định kiến giới nhiều khi đã trở thành áp lực đối với hai giới và cản trở các cá nhân thực hiện công việc mà người đó có đủ khả năng đảm nhận. Ví dụ quan niệm cho rằng nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới.
Muốn xóa bỏ bạo lực gia đình cần xóa bỏ bất bình đẳng giới để tạo nên sự bình đẳng giữa hai giới. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Trong xã hội, khi bình đẳng giới thì phụ nữ và nam giới có vị trí như nhau và có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển, để đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia. Bình đẳng giới trong gia đình là nam nữ có sự bình đẳng với nhau trong ra quyết định, tham gia và hưởng thụ những thành quả công việc của gia đình, có cơ hội phát triển như nhau.
Các khía cạnh bình đẳng giới như: Nam và nữ được tiếp cận và hưởng lợi như nhau các cơ hội về học tập, công việc và các nguồn lợi khác; nam và nữ đều có quyền như nhau trong việc quyết định, bầu cử, thừa kế và các quyền khác; nam và nữ bình đẳng về trách nhiệm trong công việc xã hội cũng như trong gia đình; phụ nữ có vị thế bình đẳng và không lệ thuộc vào nam giới, ý kiến của hai giới đều được tôn trọng.
Nếu tồn tại bình đẳng giới, nam giới trong gia đình thấy được trách nhiệm và quyền hạn của họ. Phụ nữ có sự tự tin và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội. Họ trở nên độc lập, tự chủ không phụ thuộc vào nam giới, biết bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ bản thân nếu như bị đối xử không công bằng.
Có thể thấy, bình đẳng giới là nền tảng của sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau giữa nam giới và phụ nữ trong gia đình, có trách nhiệm với nhau, cùng tạo điều kiện cho nhau phát triển và như vậy sẽ không có bạo lực gia đình.
Hội Nông dân Việt Nam