Khám khi bệnh đã nặng
Khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường chị P.T.Ng. ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cũng không đến cơ sở y tế khám mà chờ xem những dấu hiệu này có hết hay không. Không thấy khả quan, chị Ng. hỏi kinh nghiệm một số chị em khác và chữa bệnh theo phương pháp dân gian. Khi không hiệu quả, chị lại tự mua thuốc về điều trị. Qua một thời gian dài không có chuyển biến tích cực, chị Ng. mới đến bệnh viện để khám và được chẩn đoán là bị viêm nhiễm đường sinh dục. Chị Ng. cho biết: “Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ đi khám phụ khoa. Tôi nghĩ rằng nếu không có những dấu hiệu bất thường thì không phải đi khám. Công việc bận rộn, một phần cũng vì tâm lý e ngại nên tôi cũng không tìm hiểu thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)”. Chị H.T.Th. ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) bị rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian khá dài nhưng lại chủ quan cho rằng đây là những rối loạn thông thường ở độ tuổi tiền mãn kinh. Chờ mãi mà không thấy chuyển biến, chị mới đi khám ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện. Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung chị sốc và bi quan vì nghĩ rằng từ trước đến nay sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường. Được các chị em trong Hội Phụ nữ (HPN) xã an ủi, động viên chị đã lạc quan hơn và tích cực điều trị. Giờ đây, sức khỏe của chị đang được cải thiện đáng kể.
Trong tháng 2 vừa qua, HPN xã Phạm Kha phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện tổ chức tư vấn, khám SKSS cho chị em. Qua khám sàng lọc, có 80 phụ nữ (chiếm 42% số phụ nữ đến khám) được chẩn đoán mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm tử cung,... Chị Nguyễn Thị Linh, Chủ tịch HPN xã cho biết: “Dù biết được tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc SKSS đối với hội viên phụ nữ nhưng do không có kinh phí nên hội không thể tổ chức tuyên truyền, tập huấn riêng. Các kiến thức về SKSS chỉ được tuyên truyền lồng ghép trong những buổi sinh hoạt của các CLB, chi, tổ phụ nữ được tổ chức có khi là 1 tháng thậm chí là 1 quý. Với đặc thù là vùng chuyên trồng rau màu nên hội viên phụ nữ trong xã rất bận rộn và thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón… Nếu như không được trang bị đủ kiến thức thì nhiều chị em sẽ mắc bệnh vì thiếu hiểu biết".
Nâng cao nhận thức cho phụ nữ
Không có dấu hiệu bất thường thì không phải đi khám - đó không chỉ là suy nghĩ của riêng chị Ng., chị Th. mà là suy nghĩ chung của khá nhiều phụ nữ ở nông thôn. Bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: “Thông thường những trường hợp đến khám phụ khoa theo định kỳ khá ít và thường là phụ nữ ở thành thị. Nhiều phụ nữ sau khi tự chữa bệnh bằng những kinh nghiệm do chị em rỉ tai nhau mà không hiệu quả mới đến khám thì bệnh đã chuyển nặng. Có người cảm nhận là đang mắc bệnh nhưng lại không lường trước được hậu quả của các bệnh phụ khoa hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn nên không tới các cơ sở y tế. Vì thế, không ít trường hợp chị em ngoài 40 tuổi mới đi khám phụ khoa lần đầu. Nguyên nhân mắc bệnh thường do chị em vệ sinh không đúng cách, nguồn nước không hợp vệ sinh và môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Trong khi đó, việc tiếp cận thông tin về SKSS ở nông thôn rất hạn chế.
Hằng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ đều tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các xã khó khăn, có mức sinh cao. Qua truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ được thực hiện trong năm 2015, toàn tỉnh có 23.676 phụ nữ được khám phụ khoa, qua đó phát hiện 12.508 trường hợp phải điều trị (chiếm gần 53% số phụ nữ được khám). Năm 2015, Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh đã tăng cường chỉ đạo chuyên môn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ các đơn vị thực hiện quy trình khám phụ khoa kết hợp với soi cổ tử cung, xét nghiệm dịch âm đạo và phiến đồ âm đạo cho khoa chăm sóc SKSS của trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã, việc đọc, chẩn đoán tế bào học phiến đồ âm đạo, cổ tử cung.
Để thay đổi nhận thức cho chị em đặc biệt là phụ nữ nông thôn, thời gian qua, các cấp HPN trong tỉnh tăng cường tổ nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, hiện nay, phương thức truyền thông vẫn chưa có sự thay đổi linh hoạt. Phần lớn vẫn nặng về lý thuyết nên chị em khó nhớ. Do đó, việc tuyên truyền cần phải có sự thay đổi.
Bên cạnh đó điều quan trọng nhất vẫn là phụ nữ phải tự nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc SKSS. Chị em nên tích cực tham dự các buổi truyền thông, tập huấn về chăm sóc SKSS, vượt qua tâm lý e ngại, khám phụ khoa định kỳ. Nhìn nhận đúng tầm quan trọng của SKSS sẽ giúp chị em tự bảo vệ mình trước hệ lụy xấu, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Huyền Trang