1. Chấp nhận sự lựa chọn của bản thân
Khi đã lựa chọn người đó là người chúng ta sẽ chung sống suốt cuộc đời thì bạn nên xác định tâm lý ngay từ đầu là mình sẽ chấp nhận tất cả những gì thuộc về người đó. Nếu hai bạn đến với nhau vì tình yêu thì sẽ tốt hơn là hai người không có tình yêu, nhưng dù là vì lý do gì thì khi bạn đã đồng ý kết đôi cùng họ thì bạn nên trân trọng sự lựa chọn đó của mình. Dù người ấy có không được như những gì bạn mong muốn, thì bạn cũng không nên kêu than hay chê bai họ với người ngoài, điều đó không hề giúp họ tốt lên, nó chỉ khiến cuộc sống hôn nhân của hai bạn căng thẳng và chán nản hơn. Hãy vui vẻ chấp nhận với sự lựa chọn của mình, có thiếu sót thì cả hai cùng cố gắng để hoàn thiện hơn, có kém cỏi thì cùng nhau nỗ lực để tốt hơn, suy nghĩ tích cực và cùng nhau cố gắng sẽ giúp cuộc sống của hai người dễ chịu và thoải mái hơn. Còn ngược lại, lúc nào bạn cũng tỏ ra khó chịu với người ấy vì họ không được như bạn mong muốn, họ không tài giỏi, không đảm đang, không tâm lý, không biết vun vén…lúc nào cũng chỉ biết nhìn vào nhược điểm của nhau thì chắc chắn cuộc hôn nhân ấy chỉ toàn là tranh cãi, bất mãn, thất vọng tràn trề. Khi đã lựa chọn người đó là vợ, là chồng mình rồi thì chúng ta nên mở lòng đón nhận tất cả những gì thuộc về họ, nếu có không như ý thì cũng cố gắng để dung hòa, bởi cuộc đời chẳng có ai hoàn hảo cả. Hãy nhìn vào mặt tốt của nhau để thấy ở nhau những điều tuyệt vời, nhìn vào sự cố gắng và nỗ lực của họ để cùng nhau khích lệ, động viên nhau cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Có như thế bạn mới hy vọng có một cuộc hôn nhân vui vẻ thoải mái như mong muốn.
2. Chuẩn bị tốt về tài chính
Nhiều người chưa có gì trong tay những vẫn quyết định kết hôn với suy nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cứ cưới nhau xong là ổn hết. Nhưng thực tế lại không như những gì ta nghĩ, nếu không có gì trong tay hai bạn lấy gì để lo cho tương lai? Không có một công việc ổn định thì biết dựa vào đâu để lo cho cuộc sống gia đình, đến bản thân mình còn không tự lo được cho mình thì đừng nghĩ đến chuyện kết hôn. Cuộc sống gia đình có vô vàn thứ cần lo, cần chi tiêu, nếu khi ấy hai bạn không có gì trong tay liệu có vui vẻ, hạnh phúc nổi không? Hay được dăm bữa nửa tháng lôi nhau ra chửi bới, trách cứ nhau chỉ vì vấn đề kinh tế không có, vợ chồng lục đục. Đó không phải là chuyện hiếm gặp, hàng ngày, hàng giờ vẫn có vô số các cặp vợ chồng gây lộn, mâu thuẫn vì vấn đề kinh tế. Thế nên khi quyết định lập gia đình, bạn cần có sự chuẩn bị tốt về tài chính, ít nhất hai bạn phải có một công việc ổn định có nguồn thu nhập lo cho bản thân và trang trải những thứ cần thiết trong gia đình. Yêu nhau, lấy nhau vì tình yêu nhưng phải nhớ thực tế khi tài chính không có, túng thiếu thì tình yêu ấy chẳng thể làm ta no đủ, cũng chẳng thể giúp hai người hết khó khăn. Tâm trí đâu nữa mà nghĩ đến chuyện yêu đương, tình cảm sến sẩm, không có thực sao vực được đạo. Đó là chân lý của cuộc sống rồi. Đừng mơ mộng mà nghĩ rằng cứ lấy nhau rồi cùng nhau cố gắng là có hết, là ổn hết. Không có nền tảng, không có cơ sở thì biết dựa vào đâu mà cố gắng, dựa vào đâu mà lo cho tương lai. Lấy nhau ngày lo 3 bữa cơm không đủ no thì thời gian, tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện chăm sóc, quan tâm đến nhau. Bao cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa ly hôn chỉ vì lý do kinh tế dẫn đến tranh cãi, đánh chửi nhau không chịu đựng được nhau nữa nên giải thoát cho nhau. Hai vợ chồng còn ngày đói ngày no thì khi có con biết lấy gì để nuôi con chứ. Hãy nhìn nhận vào thực tế để có những suy nghĩ chín chắn và sáng suốt trước khi quyết định kết hôn với ai. Khi tài chính chưa tự tin thì đừng vội vàng kết hôn.
3. Thống nhất về tương lai
Hãy cùng nhau ngồi lại trao đổi thẳng thắn, rõ ràng về các vấn đề trong tương lai sau khi kết hôn. Kế hoạch sinh con, cách chi tiêu trong gia đình ra sao, phân chia công việc của vợ chồng như nào, quản lý tài chính, các mối quan hệ xã hội, đối nội đối ngoại như thế nào…tất cả đều phải thống nhất và đi đến quan điểm chung cả hai cùng nhất trí. Có như vậy, sau khi kết hôn chúng ta sẽ tránh được những tranh cãi, mâu thuẫn phát sinh do bất đồng quan điểm về những vấn đề đó. Hai người cần có những định hướng nhất quán về tương lai của cả hai. Bởi khi yêu có thể mọi thứ hoàn hảo nhưng cuộc sống hôn nhân lại hoàn toàn khác, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, nếu không có sự thống nhất ngay từ đầu thì lúc đó rất khó giải quyết vấn đề, bởi sự bất đồng không tìm được tiếng nói chung sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Thế nên, trước khi cưới hãy cùng nhau trao đổi thống nhất và có những đồng thuận thì hãy quyết định kết hôn.
4. Không còn tự do
Lấy chồng đồng nghĩa với việc bạn không còn được tự do, thoải mái như hồi còn con gái nữa. Lấy chồng rồi không có chuyện bạn thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm bởi khi đó bạn còn phải chăm lo gia đình, chồng con, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai. Các cụ nhà ta vẫn thường nghêu ngao câu ca, dạy bảo các con trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân “Gái có chồng như gông đeo cổ. Trai có vợ như dợ buộc chân. Có chồng, con chẳng được đi lâu. Có con, con chẳng được đứng đâu truyện trò. Dù ai bảo đợi bảo chờ, thì con nói dối con thơ con về”, chỉ từng ấy câu chữ cũng đủ nói lên việc bạn sẽ mất tự do như thế nào sau khi kết hôn. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận những chuyện đó, khi nào thực sự sẵn sàng hãy quyết định kết hôn.
5. Sống cùng những người xa lạ
Phụ nữ đi làm dâu đồng nghĩa với việc về một nơi hoàn toàn mới mẻ và sống với những người hoàn toàn xa lạ với mình trước đây. Ở ngôi nhà mới ấy, bạn chỉ có chồng là người quen duy nhất, chỉ có chồng là người hiểu bạn và bạn có thể tin tưởng. Bỗng một ngày bạn phải gọi những người xa lạ ấy là bố, là mẹ, là cô dì chú bác…và cũng từ đó bạn phải coi họ là gia đình của mình, coi họ như người thân của mình suốt cuộc đời. Nhưng sống với những người ấy, bạn không thể thoải mái vô tư như với mọi người trong gia đình mình mà bạn luôn phải ý tứ, tế nhị từng lời ăn tiếng nói. Nếu bạn vô ý vô tứ chắc chắn sẽ bị mọi người chê bai và không hài lòng. Bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận những điều ấy, có như thế mới không bị bỡ ngỡ, sốc sau khi kết hôn. Với vợ/ chồng mình thì bạn đã quá quen thuộc và cả hai cũng đã quá hiểu nhau nên những việc bạn làm họ có thể hiểu được. Nhưng với những thành viên khác thì không, họ với bạn hoàn toàn là những con người mới quen, mới tiếp xúc nên không tránh khỏi những hiểu lầm, xích mích dẫn đến mâu thuẫn, không ưa nhau. Thế nên, trước khi quyết định kết hôn, bạn phải xác định mình sẽ phải đối mặt và chấp nhận những chuyện như thế xảy ra.
6. Không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo như ta nghĩ
Khi yêu nhau thì mọi thứ đều đẹp, mơ mộng và lãng mạn, tưởng chừng như cuộc sống chỉ toàn là màu hường. Nhưng cuộc sống hôn nhân chắc chắn không bao giờ êm đềm và hoàn hảo như suy nghĩ của bạn lúc đang yêu. Khi yêu thì chỉ nhìn thấy điểm tốt, điểm đẹp của đối phương, nhưng khi lấy nhau về thì có bao nhiêu thói hư tật xấu nó lộ ra hết, bạn sẽ phải chấp nhận tất cả những điều đó ở đối phương. Giờ có xấu, có đẹp, có vụng về hay đảm đang thì cũng đã thành vợ, thành chồng rồi. Không chấp nhận chẳng lẽ lôi nhau ra tòa, nên cứ tập xác định tâm lý ngay từ đầu là không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo. Đừng bao giờ nghĩ lấy nhau rồi chúng ta vẫn như xưa, không có chuyện đó đâu, ngưng ảo tưởng, sống thực tế tránh hối hận sau này.
Những điều cần biết về bạn đời trước khi kết hôn
Việc chuẩn bị tâm lý trước hôn nhân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết với mỗi chúng ta. Chuẩn bị tâm lý tốt, chúng ta sẽ tránh khỏi những bỡ ngỡ, tự tin đón nhận những thay đổi sau khi kết hôn.
( Nguồn: Gia đình.net)