Các cặp đôi sẽ được trang bị kiến thức về tình dục, kiểm tra sức khỏe sinh sản… để chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi
2. Tầm soát các bệnh truyền nhiễm
Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, hai bạn cần làm các xét nghiệm tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, HCV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ đó, bạn sẽ hạn chế được khả năng lây bệnh cho bạn đời (nếu chẳng may bị bệnh) cũng như có kế hoạch điều trị bệnh sớm.
3. Phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản
Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở của người phụ nữ, tạo tiền đề cho sự ra đời của những em bé khỏe mạnh sau này. Trong trường hợp một trong hai người gặp vấn đề về sinh sản như u nang buồng trứng, tinh trùng yếu, vô tinh…, bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.
4. Phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của vợ chồng bạn, trên cơ sở đó đánh giá liệu hai bạn có mang gen di truyền bệnh lý, có thể ảnh hưởng tới con cái sau này hay không.
Kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân để tầm soát các bệnh lý di truyền cho con
5. Thể hiện trách nhiệm với bản thân và bạn đời
Nếu không biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và bạn đời, hai bạn không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra sau khi về chung một nhà: vợ hoặc chồng vô sinh, bị bệnh truyền nhiễm, con sinh ra dị tật… Khi đó, tình cảm vợ chồng không tránh khỏi sứt mẻ, thậm chí gãy gánh. Vì thế, hãy thể hiện trách nhiệm với mình và bạn đời bằng cách đi khám để tầm soát sức khỏe tiền hôn nhân. 6 tháng trước khi kết hôn là thời điểm thích hợp để khám sức khỏe tiền hôn nhân, giúp cặp đôi phòng tránh những rủi ro sau này.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?
Một gói khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân gồm các hạng mục sau:
1. Khám tổng quát
Gói khám tổng quát sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm:
- Đo huyết áp, tổng phân tích nước tiểu, chụp X-quang lồng ngực, điện tâm đồ, kiểm tra chức năng gan, thận…
- Khai thác tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: đã mắc các bệnh lý/bệnh truyền nhiễm nào trước đây chưa, đã trải qua những lần phẫu thuật nào, môi trường làm việc có tiếp xúc với chất độc hại không, có gặp phải các tai nạn, thương tích không…
- Khai thác bệnh sử gia đình: người thân trong gia đình mắc những bệnh gì, có di truyền không…
- Sàng lọc di truyền: Sàng lọc người lành mang gen bệnh giúp dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con tương lai.
2. Thực hiện các xét nghiệm
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bao gồm:
Xét nghiệm sàng lọc HIV
Chẳng có lý do gì để ngăn cản một người nhiễm HIV kết hôn và có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc như bao người khác. Tuy nhiên, việc thực hiện xét nghiệm và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh lây nhiễm sang người bạn đời, cũng như quyết định có nên sinh em bé hay không.
Kiểm tra sàng lọc VDRL
Nếu đã quan hệ tình dục hoặc từng mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn sẽ được khuyên nên làm xét nghiệm này. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện vi khuẩn có hại gây ra STD (các bệnh lây qua đường tình dục) như giang mai, sùi mào gà, lậu… Trong trường hợp cơ thể bạn có vi khuẩn gây bệnh STD, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị để chữa khỏi bệnh hoàn toàn trước khi bạn kết hôn.
Xét nghiệm sàng lọc tế bào hình liềm
Chỉ một khiếm khuyết trong các tế bào hồng cầu cũng dễ dàng gây ra bệnh hồng cầu hình liềm, di truyền cả sang con cái. Do đó, hai bạn cần làm xét nghiệm sàng lọc tế bào hình liềm để xem hồng cầu của mình có bị khiếm khuyết hay không. Nếu có, hai bạn sẽ được khuyên nên đến bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai và sau sinh, nhằm kịp thời phát hiện bệnh lý ở đứa trẻ.
Xét nghiệm sàng lọc viêm gan
Muốn phát hiện sự hiện diện của các kháng nguyên được tạo ra bởi virus viêm gan B (thậm chí cả virus viêm gan A và C), các cặp đôi cần thực hiện xét nghiệm này. Trong trường hợp cơ thể chưa có kháng nguyên, bạn sẽ được chỉ định tiêm chủng phòng ngừa.
Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý
Xét nghiệm huyết sắc tố
Xét nghiệm này cần thiết cho tất cả mọi người, và đặc biệt cần đối với các bệnh nhân đái tháo đường hoặc những ai có nguy cơ mắc bệnh này. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định mức độ glucose trong máu của bạn. Nếu nó vượt giới hạn cho phép, bạn cần được theo dõi chặt chẽ để không gặp phải các biến chứng khi mang thai như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng huyết áp…
Xét nghiệm sàng lọc tâm lý
Đây là một xét nghiệm sàng lọc y tế thường bị bỏ qua. Thực tế, xét nghiệm này vô cùng quan trọng. Kết hôn có nghĩa là cuộc sống của bạn bước sang một trang mới. Bạn phải học cách sống chung với một người không có cùng tính cách, sở thích, lối sống… với mình. Bên cạnh đó, bạn còn phải hòa nhập cùng gia đình chồng. Việc sàng lọc tâm lý sẽ giúp xác định liệu bạn đã sẵn sàng thích nghi với cuộc sống mới hay chưa.
Khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc tâm lý, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử cũng như các triệu chứng gần đây của bạn, xem bạn đang hoặc có nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn tâm trạng, tâm thần phân liệt và hưng cảm hay không. Bên cạnh đó, một bài kiểm tra sàng lọc tâm lý toàn diện cũng giúp xác định tình trạng rối loạn nhân cách và hành vi (nếu có) của bạn. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ tư vấn tâm lý, tháo gỡ khúc mắc, tạo cho bạn tinh thần thoải mái để sẵn sàng bước vào cuộc sống hôn nhân.
3. Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
Đây có lẽ là xét nghiệm sàng lọc trước hôn nhân quan trọng nhất mà các cặp đôi cần thực hiện. Xét nghiệm nhằm phát hiện bất thường trong cơ quan sinh sản của bạn và bạn đời, xử trí các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
- Đối với nữ giới: Bác sĩ sẽ thực hiện khám nhũ, chụp nhũ ảnh, siêu âm tuyến vú; soi tử cung, âm đạo, kiểm tra vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng; siêu âm tuyến vú; soi tươi dịch âm đạo; kiểm tra hormone sinh dục: estrogen, LH, FSH, progesterone.
- Đối với nam giới: Xét nghiệm tinh dịch đồ; xét nghiệm dịch niệu đạo; nội tiết tố sinh dục…