Cần hỗ trợ hữu hiệu, toàn diện giúp phụ nữ vượt qua đại dịch Covid-19

Đại hội đồng AIPA-42 trong 3 ngày qua thảo luận nhiều vấn đề thời sự hiện nay về kinh tế số thúc đẩy phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19, trong đó các nhà lãnh đạo nghị viện các nước rất quan tâm thảo luận việc trao quyền và kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPNVN, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về những nội dung quan trọng về chủ đề trên.

Phóng viên: Qua theo dõi chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA-42, xin bà cho biết ý kiến về những vấn đề chung nổi bật và chúng ta có thể chia sẻ với đại biểu nghị viện các nước trong bối cảnh phòng, chống dịch hiện nay?

Bà Hà Thị Nga: Chúng tôi và nhiều đại biểu các nước bày tỏ đồng tình rất cao các thông điệp đầy đủ trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp toàn thể thứ nhất. Tại Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA và việc ban hành Nghị quyết “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm”, chúng tôi cho rằng, với vấn đề hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, đây là vấn đề quan tâm xuyên suốt của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội những năm qua ban hành nhiều bộ luật thúc đẩy vấn đề này như: Lao động, An toàn vệ sinh lao động, Việc làm, Bầu cử, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.... có nhiều quy định liên quan bình đẳng giới, thúc đẩy quyền phụ nữ trong bình đẳng giới trong kinh tế, gia nhập thị trường lao động và sản xuất kinh doanh.

Trong các hoạt động giám sát, năm 2019 Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 2011-2020, trong đó có đánh giá các quyền tiếp cận kinh tế. Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư hai Chương trình mục tiêu quốc gia đã lồng ghép rất nhiều nội dung về bình đẳng giới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, việc làm, đào tạo... Sắp tới, chúng ta tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới; quan tâm chính sách hỗ trợ tài chính với phụ nữ bị mất việc làm, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có cơ hội tiếp cận với sinh kế mới.

Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do dịch bệnh bởi khó khăn về kinh tế cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng làm tăng gánh nặng công việc không được trả công trong gia đình, tăng áp lực chăm sóc sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng, sức khỏe thể chất cho người thân trong gia đình, áp lực chăm sóc con cái... trong bối cảnh tiếp cận dịch vụ bị hạn chế.

Từ những vấn đề đang đặt ra và tìm hiểu kinh nghiệm một số nước trong khu vực, chúng tôi cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin và nắm được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (thí dụ, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); cung cấp kênh thông tin phù hợp thói quen và điều kiện của phụ nữ; hỗ trợ mua trả góp điện thoại thông minh giúp phụ nữ nghèo khó khăn.

Đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số để từ đó thu hẹp khoảng giới giới trong lĩnh vực số, như các chương trình/đề án đào tạo cho phụ nữ về thương mại điện tử, về nông nghiệp công nghệ cao...

Phóng viên: Xin bà cho biết rõ hơn khuyến nghị trong xây dựng kinh tế số nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như thúc đẩy một nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn, với vấn đề khu vực và cụ thể đối với phụ nữ Việt Nam? Cần quan tâm như thế nào để giúp phụ nữ tiếp cận internet, bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng miền trong mỗi quốc gia, đặc biệt là vùng sâu vùng xa?

Bà Hà Thị Nga: Như chúng ta đều biết, đại dịch Covid-19 mang lại những tác động nặng nề ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội; trong đó kinh tế là lĩnh vực chịu tác động sớm nhất và cũng có thể nói là kéo dài và khó khăn nhất trong quá trình phục hồi.

Xét ở góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 thúc đẩy các quốc gia có định hướng rõ chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, thị trường, thể chế mà để thành công cần có sự tham gia hiệu quả và thụ hưởng bình đẳng của người dân.

Xét từ các khía cạnh nêu trên, từ vai trò là đại biểu Quốc hội công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức có chức năng chăm lo, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ; tôi cho rằng trong xây dựng nền kinh tế số, bên cạnh các giải pháp về công nghệ, thị trường, thể chế, cần coi trọng cả những giải pháp bảo đảm sự tham gia hiệu quả, thực chất và thụ hưởng bình đẳng của người dân.

Để làm được điều này, chúng ta cần quan tâm những vấn đề sau:

Một là, đa dạng các chương trình, phương thức truyền thông thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số, kinh tế số; giúp cho bất kể người dân nào (người lao động hay người sử dụng lao động), lĩnh vực ngành nghề nào (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người tiêu dùng), ở đâu (thành phố, nông thôn, miền núi hay đồng bằng), dân tộc nào cũng đều hiểu được sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Quan trọng nhất là hiểu được vai trò của cá nhân trong chuyển đổi số để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; qua đó tận dụng tối đa thế mạnh của một quốc gia có nền tảng công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ người dân sở hữu thiết bị di động và sử dụng internet cao.

Hai là, từ sự thay đổi nhận thức đó, cần có các chương trình đào tạo, hỗ trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp xác định được mục tiêu, hướng đi của cá nhân, của tổ chức mình trong chuyển đổi số nhằm thích nghi với sự vận hành mới của nền kinh tế, có được lộ trình và các bước để số hóa và chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thúc đẩy phát triển việc ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử, chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng nền tảng công nghệ trong sử dụng dịch vụ, trong sản xuất, quảng bá, bán hàng, kết nối tiêu thụ, hướng tới liên kết với các sàn thương mại điện tử với những mặt hàng đủ tiêu chuẩn.

Cần phát triển các nền tảng, sản phẩm tập huấn ứng dụng công nghệ số để hướng dẫn các kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; về sản xuất kinh doanh; về khởi nghiệp; kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Ba là, để sự tiếp cận và thụ hưởng thành quả của kinh tế số một cách bình đẳng, cần xác định được điểm yếu, khó khăn, rào cản của từng nhóm dân số, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong chuyển đổi số; từ đó có các chương trình hỗ trợ, giải pháp can thiệp phù hợp, giúp không ai bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số.

Điều này đòi hỏi từ việc xây dựng giải pháp, hoạt động hỗ trợ đến quá trình triển khai thực tế của các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp… rất cần có những giải pháp riêng biệt cho nhóm này.

Đồng thời, cần quan tâm để bảo đảm lực lượng lao động là phụ nữ được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ số và áp dụng để thích ứng với yêu cầu của thực tế và thụ hưởng thành quả của công nghệ số.

Phóng viên: Đại diện Hội LHPN Việt Nam mong muốn chuyển tải thông điệp tại các cuộc họp chuyên đề các ủy ban AIPA-42 liên quan, qua đó đề đạt những khuyến nghị quan tâm hơn nữa việc trao quyền cho phụ nữ, giúp phụ nữ sau đại dịch?

Bà Hà Thị Nga: Trong bối cảnh hiện nay, các Nghị viện thành viên AIPA cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có thể hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề của dịch bệnh, thiên tai và quá trình chuyển đổi số phát huy sự đóng góp, sức sáng tạo của phụ nữ.

Tôi cho rằng, cần ưu tiên, quan tâm bảo vệ phụ nữ trước đại dịch, nhất là phụ nữ yếu thế và phụ nữ ở tuyến đầu chống dịch thông qua các các cơ chế hợp tác như chia sẻ vaccine phòng Covid-19; có chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với công nghệ thông tin và thích nghi với quá trình chuyển đổi số.

Cần quan tâm tăng cường nghiên cứu tác động của Covid-19 đối với phụ nữ, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.

Các nước cần có các biện pháp phối hợp, hỗ trợ toàn diện về cơ hội việc làm, khởi nghiệp, thu nhập, chăm sóc gia đình cho các nhóm đối tượng phụ nữ di cư, phụ nữ các khu công nghiệp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời cần tăng cường phối hợp để phòng chống tội phạm mua bán người, di cư bất hợp pháp qua biên giới.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Báo PNVN 
Các tin mới hơn
Phụ nữ trong nền kinh tế số(28/09/2022)
Chuyên gia tài chính chỉ ra 3 cách tối ưu hóa tiết kiệm(04/08/2022)
Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại(05/07/2022)
5 kinh nghiệm cán bộ Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp(01/07/2022)
12 bài học khởi nghiệp của nữ Giám đốc điều hành Sunrun 12/06/2022(01/07/2022)
Các tin cũ hơn
AIPA-42: Nghị sự quan trọng về trao quyền cho phụ nữ, an ninh mạng, biến đổi khí hậu(24/08/2021)
AIPA-24: Cấp bách tạo chính sách phục hồi sinh kế cho phụ nữ sau đại dịch(23/08/2021)
Vấn đề giới trong tiếp cận nguồn lực kinh tế và thị trường lao động của người DTTS: Các khuyến nghị chính sách(13/08/2021)
Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong giai đoạn mới(13/08/2021)
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước(13/08/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Cổng thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương
Địa chỉ: Đường Đỗ Ngọc Du, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương
Điện thoại: 0320 3.897590 Fax 0320.3.897.593
Trưởng Ban biên tập: Bà Trần Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội
 
 
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín