Một trong những nội dung nghị sự đáng chú ý của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) là Họp Nữ nghị sĩ AIPA. Tại phiên thảo luận chiều 23/8, Ủy ban Nữ Nghị sĩ AIPA cho rằng: Những năm qua, vấn đề trao quyền, nâng cao quyền năng kinh tế, chính trị của phụ nữ luôn được quan tâm và ưu tiên. Mặc dù vậy, phụ nữ và trẻ em vẫn gặp phải những bất bình đẳng, đặc biệt là bất lợi trong vấn đề lao động, việc làm và thu nhập.
Theo Ủy ban Nữ Nghị sĩ AIPA, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới các nước thì phụ nữ và trẻ em đang bị ảnh hưởng tiêu cực và sâu sắc hơn nam giới. Trong đó, lao động nữ trong các ngành nghề dịch vụ, nghề thuộc khu vực phi chính thức hoặc các công việc lao động chân tay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ dịch bệnh. Theo thống kê, có 30% lao động nữ làm việc ở các lĩnh vực này bị thiệt hại, ảnh hưởng sinh kế, giảm thu nhập hoặc mất thu nhập do dịch.
Chính vì vậy, vấn đề bức thiết hiện nay là cần tạo những chính sách và có những phản ứng kịp thời nhằm phục hồi sinh kế cho phụ nữ và đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới đã đặt ra. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường chuyển đổi số nhanh hơn. Khi đó, nếu lực lượng lao động nữ không kịp thích ứng với xu hướng số hóa thì sẽ không tận dụng được nền tảng số, mất cơ hội việc làm mới…
Theo Ủy ban Nữ Nghị sĩ AIPA, dự thảo Nghị quyết về "thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm", được kỳ vọng sẽ phản ánh được cam kết của AIPA, tối đa hóa được công nghệ trong việc trao quyền cho phụ nữ và bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời thể hiện được cam kết về thực hiện bình đẳng giới và đem đến kết quả thực chất, hiệu quả.
Tại phiên thảo luận này, Đoàn Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết và nêu thêm một số đề xuất như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách của quốc gia và khu vực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp, tạo liên kết khu vực để hỗ trợ phụ nữ có việc làm, tạo sinh kế, tham gia thị trường lao động thông qua môi trường kỹ thuật số; Tiếp tục quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về tài chính để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ nghèo, mất việc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có cơ hội tiếp cận việc làm và phát triển sinh kế...
Nguồn: Báo PNVN