1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, “xử lý kỷ luật” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật do vi phạm kỷ luật. Vi phạm kỉ luật về bình đẳng giới là hành vi có lỗi của chủ thể trái với các quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong bình đẳng giới; “xử lý vi phạm hành chính” là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Nghị định số 125/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ, gồm 04 Chương, 23 Điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Tại Chương I, Nghị định quy định những nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. So với Nghị định 55/2009, Nghị định 125/2021/NĐ-CP có những sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Quy định cụ thể hơn về các tổ chức được áp dụng trong Nghị định; bổ sung các quy định về hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đang được thực hiện và hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc; điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới và bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, Nghị định đã bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm” và “Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động đó”.
Tại Chương II, Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ; văn hóa, thể dục, thể thao; y tế; gia đình theo quy định tại Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. So với Nghị định 55/2009, nội dung ở Chương này có những sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó có một số nội dung nổi bật như:
Cá nhân bị phạt tối đa 30 triệu đồng cho một hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới
Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Chương II Nghị định này được quy định áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP đã bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm; điều chỉnh nâng mức phạt tiền đồng thời bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi nhằm. Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới, như: hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; hành vi ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; hành vi vận động, xúi giục, ép buộc hoặc cản trở người khác tham gia học tập, đến trường, lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính,…
Tại Chương III, Nghị định điều chỉnh các quy định về thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Cụ thể, văn bản này đã bỏ các quy định liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự,… vì các nội dung này đã được quy định và thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, Nghị định đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát biển; bổ sung quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.