1. Tăng mức lương tối thiểu vùng:
Theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1.1.2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.750.000 đồng/tháng); Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.320.000 đồng/tháng); Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.900.000 đồng/tháng); Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.580.000 đồng/tháng).
2. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:
Có thêm hai nhóm đối tượng là người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
3. Thay đổi điều kiện về hưu trước tuổi:
Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, đã có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ hưu khi có đủ điều kiện về tuổi đời như sau: Năm 2018 - Nam từ đủ 53 tuổi trở lên, Nữ từ đủ 48 tuổi trở lên; Năm 2019 - Nam từ đủ 54 tuổi trở lên, Nữ từ đủ 49 tuổi trở lên; Từ 2020 trở đi - Nam từ đủ 55 tuổi trở lên, Nữ từ đủ 50 tuổi trở lên.
Riêng trường hợp người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì không kể tuổi đời.
4. Thay đổi cách tính lương hưu: Từ ngày 1.1.2018, tỷ lệ % hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau:
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi: được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%; Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi: được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Cụ thể: Nghỉ hưu năm 2018 - số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 16 năm; Năm 2019 - 17 năm; Năm 2020 - 18 năm; Năm 2021 - 19 năm; Từ năm 2022 trở đi - 20 năm. Điều này đồng nghĩa với việc để đạt mức hưởng lương hưu 75%, lao động nam và nữ kéo dài thời gian đóng BHXH thêm 5 năm. Nhiều phụ nữ bị thiệt thòi với cách tính tiền lương hưu theo quy định mới này.
5. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác:
Theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương đóng BHXH gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Từ năm 2018, người lao động sẽ phải đóng BHXH bao gồm cả các khoản bổ sung khác. Điều này đồng nghĩa với việc nền tiền lương đóng BHXH sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cả đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đều khẳng định, các khoản bổ sung khác ở đây là các khoản cố định có ghi trong hợp đồng lao động, mức tăng nền tiền lương đóng BHXH sẽ không tăng đáng kể so với trước năm 2018.
6. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng:
Tỷ lệ phần trăm (%) hỗ trợ trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
7. Quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Tăng chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội: Các tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tội gian lận bảo hiểm y tế, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị xử phạt với những mức độ khác nhau.
- Phạt tù đến 3 năm nếu sa thải lao động trái pháp luật: Người sử dụng lao động phạm tội nếu sa thải lao động trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
- Vi phạm quy định sử dụng lao động dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù đến 12 năm: tại Điều 296 quy định người sử dụng lao động dưới 16 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. Như vậy, chế tài đối với tội danh này tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nặng hơn và chi tiết hơn quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự 1999 (mức phạt tù khi vi phạm tăng từ 7 năm lên 12 năm).
Ban Chính sách - Luật pháp (tổng hợp)