Đây là bản Hiến pháp lần thứ 5 và là kết quả của quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và dân chủ; Là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Câu hỏi 1: Vì sao cần sửa đổi Hiến pháp?
Trả lời:
Hiến pháp năm 1992 được ban hành và đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Đến nay, tình hình đất nước và quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Câu hỏi 2: Hiến pháp được kết cấu như thế nào?
Trả lời:
Hiến pháp được kết cấu gồm: Lời nói đầu và 11 chương, 120 điều.
Chương 1: Chế độ Chính trị (13 điều)
Chương 2: Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của Công dân (36 điều)
Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (14 điều)
Chương 4: Bảo vệ Tổ quốc (5 điều)
Chương 5: Quốc Hội (17 điều)
Chương 6: Chủ tịch nước (8 điều)
Chương 7: Chính phủ (8 điều)
Chương 8: Tòa án nhân dân, Việt Kiểm sát nhân dân (8 điều)
Chương 9: Chính quyền địa phương (7 điều)
Chương 10: Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán nhà nước (2 điều)
Chương 11: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp (2 điều)
Câu hỏi 3: Hiến pháp quy định như thế nào về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam?
Trả lời:
Điều 9 quy định về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như sau:
- Là tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Khoản 2).
- Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Khoản 1).
- Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.Khoản 3
- Được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động (Khoản 3).
Trung ương Hội LHPN Việt Nam có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (Khoản 1 Điều 84).
Câu hỏi 4: Hiến pháp quy định như thế nào về mối quan hệ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với Hội LHPN Việt Nam?
Trả lời:
- Ở cấp Trung ương, Chính phủ phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Khoản 8 Điều 96); Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan (Điều 101).
- Ở địa phương, Chủ tịch Hội LHPN địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và hội nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan(Khoản 2 Điều 116).
Câu hỏi 5: Hiến pháp quy định như thế nào về quyền làm chủ của Nhân dân? Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng những hình thức nào?
Trả lời :
- Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3).
- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng 3 hình thức: dân chủ trực tiếp; dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6).
Câu hỏi 6: Hiến pháp quy định như thế nào về quyền của phụ nữ?
Trả lời:
Với tư cách công dân, phụ nữ có các quyền sau:
* Quyền chính trị:
- Bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16).
- Tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28).
- Bầu cử khi đủ mười tám tuổi trở lên, ứng cử khi đủ hai mươi mốt tuổi trở lên vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 27).
- Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (đối với công dân đủ 18 tuổi trở lên) (Điều 29).
- Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25).
- Tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Khoản 1 Điều 24).
- Khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 30).
* Quyền dân sự:
- Quyền sống, tính mạng được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật (Điều 19).
- Bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1 Điều 20).
- Hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật (Khoản 3 Điều 20).
- Có nơi ở hợp pháp (Khoản 1 Điều 22).
- Không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 2 Điều 17).
- Tự do đi lại và cư trú ở trong nước; ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 23).
- Sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp và trong các tổ chức kinh tế khác (Khoản 1 Điều 32).
-Sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (Khoản 2 Điều 32).
- Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật (Khoản 2 Điều 54).
- Bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Khoản 1 Điều 21).
- Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác (Khoản 2 Điều 21).
- Kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau (Khoản 1 Điều 36).
- Xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42).
* Quyền về kinh tế, lao động và việc làm:
- Tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm(Điều 33).
- Được tạo điều kiện để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tài sản hợp pháp của cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (khoản 3 Điều 51).
- Làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Khoản 1 Điều 35).
* Quyền về văn hóa, giáo dục, xã hội:
- Được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 34); được thụ hưởng phúc lợi xã hội (Khoản 2 Điều 59).
- Được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh(Khoản 1 Điều 38).
- Học tập (Điều 39). Nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo vănhọc, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ (Khoản3 Điều 62).
- Hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41).
- Được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).
* Quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp:
- Không bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam,giữ người do luật định (Khoản2 Điều 20).
- Không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Khoản1 Điều 31).
- Không bị kết án hai lần vì một tội phạm (Khoản3 Điều 31).
- Được tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Khoản4 Điều 31).
-Được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự nếu bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có (Khoản 5 Điều 31).
Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có quyền:
- Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26).
- Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36).
- Được nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).
Câu hỏi 7: Hiến pháp quy định như thế nào về nghĩa vụ cơ bản của công dân?
Trả lời:
- Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (Khoản1 Điều 15).
- Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Khoản4 Điều 15);
- Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44); Bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân (điều 45); thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh (Điều 64).
- Có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội (Khoản3 Điều 15).
- Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46); Bảo vệ Hiến pháp (Khoản 2 Điều 119).
- Nộp thuế theo luật định (Điều 47); Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước (Điều 56).
- Nghĩa vụ học tập (Điều 39).
-Thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Khoản 1 Điều 38).
- Bảo vệ môi trường (Điều 43); cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Khoản3 Điều 63).
- Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác (Khoản 2 Điều 15); Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (Khoản2 Điều 24); Không được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Khoản 2 Điều 21); Không được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý (Khoản2 Điều 22); Không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (Khoản 3 Điều 30).
Câu hỏi 8: Hiến pháp quy định trong những trường hợp nào, quyền con người, quyền công dân bị giới hạn?
Trả lời:
- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Khoản 2 Điều 4).
- Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường (Khoản 3 Điều 32).
- Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật (Khoản 3 Điều 54).
- Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thậtcần thiếtdo luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninhhoặc trong tình trạng chiến tranh,tình trạng khẩn cấp, phòng,chống thiên tai (Khoản 4 Điều 54).
Câu hỏi 9. Hiến pháp quy định gì liên quan đến bình đẳng giới?
Trả lời:
Bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc Hiến định. Tất cả các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân đều không phân biệt nam và nữ.
- Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới (Khoản 1 Điều 26). Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Khoản 3 Điều 26).
- Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau (Điều 36).
Câu 10. Hiến pháp có những quy định gì liên quan đến trẻ em?
Trả lời:
- Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Khoản 1 Điều 37).
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Khoản 3 Điều 35).
- Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (khoản 2 Điều 36).
- Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em (khoản 2 Điều 58).
Câu hỏi 11. Hiến pháp quy định như thế nào về hôn nhân và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong việc xây dựng gia đình Việt Nam?
Trả lời:
- Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau (Điều 36).
- Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (Khoản 3 Điều 60).
- Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).
Câu hỏi 12. Hội viên, phụ nữ cần làm gì để thực hiện tốt Hiến pháp?
Trả lời:
- Tham gia tích cực, đầy đủ các buổi tuyên truyền, học tập, phổ biến nội dung Hiến pháp ở địa phương.
- Hiểu rõ và đúng các quy định cơ bản của Hiến pháp để tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật.
- Hiểu rõ và đúng các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, đặc biệt các quy định liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em, hôn nhân và gia đình được quy định trong Hiến pháp.
- Nắm được các quy định về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để có thể kiến nghị, đề xuất Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và của chị em phụ nữ.
- Tuyên truyền, trao đổi với người thân và những người xung quanh về các nội dung của Hiến pháp để mọi người cùng hiểu đúng về Hiến pháp; không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu.
- Nghiêm túc thực hiện theo các quy định của Hiến pháp, vận động người thân và những người xung quanh cùng thực hiện Hiến pháp trong cuộc sống hàng ngày.
- Báo tin với chính quyền hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương khi phát hiện được những biểu hiện vi phạm Hiến pháp, pháp luật.