Báo cáo thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra: Ở Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ rất cao. Tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp cao hơn nam giới gần 4% (tương ứng 15,5% và 11,6%). Song tỉ lệ doanh nghiệp quy mô vừa và lớn do phụ nữ làm chủ lại không nhiều.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Đánh giá vai trò của doanh nhân nữ, mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: "Hai mỏ tài nguyên lớn nhất là sức mạnh của phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ". Theo ông Lộc, nền kinh tế mới sẽ là nền kinh tế của phụ nữ và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của phụ nữ, mong rằng chị em sẽ tích cực để làm chủ và là người dẫn đường trong nền kinh tế số.
Tại diễn đàn đa phương Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho rằng: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, doanh nhân nữ còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn xuất phát từ định kiến xã hội khiến họ chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có.
Bên cạnh khó khăn chung như nam giới, doanh nhân nữ còn rào cản mang đặc thù giới tính, như khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu thông tin, thiếu kỹ năng viết đề án, thiếu tài sản thế chấp, thiếu sự ủng hộ, hậu thuẫn từ chồng và gia đình. Thiếu kỹ năng, kiến thức quản lý; trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ còn hạn chế. Khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực; tiếp cận thông tin về các quy định pháp luật, hội nhập, thị trường và các chương trình hỗ trợ.
Theo bà Tuyết Minh, những hạn chế này phần lớn là do hệ quả của việc coi trọng nam hơn nữ trong các gia đình. Bên cạnh đó, gánh nặng công việc gia đình cũng thường đặt lên vai người mẹ, người vợ và trẻ em gái, làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận, cập nhật thông tin, kết nối, giao lưu để học hỏi, nâng cao hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong liên kết mạng lưới; trong vấn đề cân bằng giữa công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ Việt Nam khi tham gia các hoạt động kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp. Phụ nữ nói chung và các doanh nhân nữ cần không ngừng cập nhật thông tin, kiến thức, nâng cao trình độ năng lực để kịp thời thích ứng được với những biến chuyển của nền kinh tế và thay đổi trên thị trường.
Đồng thời, thách thức và áp lực của cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân nữ không thể gánh nhận những trách nhiệm nặng nề đó một cách đơn độc, đặc biệt là với một nền kinh tế mới nổi, còn tồn tại khoảng cách về giới trong cơ hội tiếp cận đào tạo, học hành, tuyển dụng và bổ nhiệm giữa phụ nữ và nam giới. Vì vậy, vai trò của tổ chức trung gian, hỗ trợ doanh nghiệp nữ cần phát huy vai trò phản biện chính sách, vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ một cách thực sự.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo môi trường chính sách thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát huy tiềm năng khởi nghiệp của nữ giới; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các chương trình quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp...
Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Development Economics và YouGov thực hiện trong năm 2017, khảo sát với 2.000 người, cho thấy, có 4 trong số 5 phụ nữ Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình. Tuy nhiên họ gặp nhiều rào cản, trong đó có 2 yếu tố chính cản trở phụ nữ khởi nghiệp là: Sự lo lắng về an toàn tài chính cá nhân (35%) và thiếu định hướng (35%). Ngoài ra, thiếu tiếp cận tài chính (34%) và chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp (32%).
Nguôn Website Hội LHPN Việt Nam