Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp hội viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đồng thời gắn các tiêu chí với các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội. Mỗi chi Hội đều thực hiện đăng ký cam kết phần việc do phụ nữ đảm nhận phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương; bảo vệ môi trường sống; tham gia BHYT; xây dựng nếp sống văn minh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội… Vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường theo phương châm “sạch nhà - sạch ngõ” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, thường xuyên ra quân quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom rác thải đổ nơi quy định; tuyên truyền, vận động hội viên trồng và chăm sóc hoa trên tuyến đường tự quản, … Đến nay, Hội Phụ nữ Đức Chính đã trồng được 7 tuyến đường hoa với chiều dài trên 20 km; thành lập 5 nhóm thu gom vỏ bao bì, chai lọ vệ sinh đồng ruộng hàng tháng với gần 100 phụ nữ tham gia; xây dựng mô hình 8 mô “ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế ở những nơi công động có đông người gây quỹ để hỗ trợ, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện tiêu chí BHYT, Hội Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia mua thẻ BHYT tới 7/7 chi hội vào các dịp: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10…; tạo điều kiện để hội viên tham gia mua thẻ BHYT. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã vận động thêm 20 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội, 520 hội viên mua thẻ BHYT góp phần đưa tỷ lệ bao phủ BHYT của xã đạt trên 90%.
Hội LHPN xã đã tập trung các giải pháp giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập bằng việc hỗ trợ vốn, mở các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; động viên hội viên tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế. Đặc biệt từ năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng Mô hình “Phụ nữ nói không với nông sản bẩn” để tuyên truyền kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà rốt sạch từ khâu sản xuất, bảo quản cho đến tay người tiêu dùng với 40 thành viên. Từ hiệu quả của mô hình, Hội phụ nữ xã tiếp tục nhân rộng ra toàn xã, đến nay có 287 thành viên tham gia mô hình trồng cà rốt được cấp giấy chứng nhận Việt Gap và Global Gap với diện tích 33,67 ha; Có 80 hộ tham gia sản xuất theo dự án Jica được cấp giấy an toàn với diện tích 30 ha. Để giúp hội viên, phụ nữ có điều kiện để phát triển kinh tế, Hội phụ nữ xã đã nhận uỷ thác với Ngân hàng CSXH 10 tỷ đồng cho 231 hộ vay. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã còn tập trung chỉ đạo các chi hội rà soát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân các hộ nghèo, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có kế hoạch giúp đỡ về vay vốn, giúp cây, con giống, ngày công lao động, đào tạo nghề, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm sản xuất… mỗi năm giúp đỡ từ 2 – 5 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 1,27% (chủ yếu là người tàn tật, bệnh tật trong xã).
Hội viên phụ nữ xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng tham gia thu hoạch cà rốt
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã đã thành lập 7 câu lạc bộ Dân vũ thể thao, 03 CLB bóng chuyển hơi, 01 câu lạc bộ bóng đá nữ, duy trì sinh hoạt của 5 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững, CLB nuôi dạy con tốt. Các CLB thường xuyên tổ chức cho chị em luyện tập sau các buổi chiều lao động nặng nhọc, để chị em hòa mình vào những trái bóng trên sân giúp giải tỏa những nặng nhọc, khó khăn sau một ngày lao động vất vả…
Có thể khẳng định rằng, bằng các việc làm thiết thực của Hội phụ nữ xã Đức Chính nói chung, cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội đã đóng góp tích cực vào thành tích chung trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021.
Nguyễn Thị Hương Giang – Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Giàng