Tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ - Những vấn đề cần quan tâm
Tai nạn thương tích là những sự việc xảy ra, gây tổn thương đến sức khỏe thể chất (chấn thương phần mềm, gãy vỡ xương, tàn tật suốt đời…) và tinh thần (lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn…) cho người bị nạn, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 43%.
Tai nạn thương tích gây tử vong cao ở trẻ em là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan như: do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ: Hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích hoặc do sự bất cẩn, sao nhãng của người lớn; môi trường sống trong cộng đồng, gia đình chưa an toàn... Những sự việc gây tai nạn thương tích có thể dự đoán trước và phần lớn có thể tránh được nếu con người có ý thức phòng ngừa.
Gia đình là nơi chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Nhưng thực tế, ý thức của người lớn trong nhiều gia đình chưa tốt nên ảnh hưởng đến hành vi, thói quen của trẻ. Quan sát nhiều gia đình, chúng ta vẫn thấy một hiện tượng bếp nấu, phích nước, dao, kéo để gần với tầm với của trẻ; bể, ao, chum, vại nước không có nắp đậy; bình phun thuốc trừ sâu, chai đựng các hóa chất để ngay sàn nhà; cầu thang, cửa, cổng không làm rào chắn; các đồ điện (phích, nồi cơm, siêu đun nước, …) để ngay tầm hoạt động của trẻ. Người lớn trong gia đình thường để trẻ chơi gần ao, hồ, sông. Có trường hợp, người lớn trong gia đình tắm cho trẻ nhỏ lại tranh thủ nghe điện thoại hoặc làm việc khác. Tất cả những yếu tố nguy cơ tai nạn thương tích trên đều có thể dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc.
Có rất nhiều loại hình tai nạn thương tích khác nhau như: đuối nước, tai nạn giao thông, té ngã, ngộ độc thức ăn, bỏng, cháy, súc vật cắn…
* Cha mẹ/gia đình cần làm gì để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ
+ Rào ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà; làm cổng chắc chắn trẻ không tự mở được.
+ Luôn đạy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
+ Với trẻ nhỏ phải có người trông trẻ, đảm bảo luôn nhìn, nghe thấy trẻ; không làm bất cứ việc gì có thể phân tâm (đọc báo, nghe/xem điện thoại) khi trông trẻ ở gần nơi có các yếu tố nguy cơ.
+ Không được để trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
+ Cho trẻ học bơi và biết các nguyên tắc an toàn (không bơi khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối, không nhảy cắm đầu, không bơi khi vừa đi nắng về, không tiếp xúc đột ngột với nước, khởi động trước khi bơi, không ăn uống khi đang bơi, không bơi ở chỗ nước sâu, chảy xiết, trời tối, trời mưa, dạy trẻ cách xử trí như kêu cứu, tự cứu, cứu đuối…)
+ Ngăn khu vực bếp với các khu vực khác trong nhà.
+ Sử dụng giá đựng phích nước nóng, sử dụng các ổ cắm điện và thiết bị điện an toàn.
+ Tăng độ cao thềm đặt bếp và khu vực để nước hoặc thức ăn nóng.
+ Không nên cho trẻ chơi gần lửa, nơi để các chất dễ cháy nổ.
+ Không cho trẻ tiếp xúc với xăng, dầu hỏa, diêm, nến, bật lửa, bếp điện, bàn là và phích nước nóng.
+ Bố trí ổ cắm điện trong nhà ở ngoài tầm tay với của trẻ hoặc che kín không cho trẻ sờ mó, chọc ngoáy.
+ Hướng dẫn trẻ tránh xa nơi dây điện bị đứt đặc biệt là lúc trời mưa, không trú mưa dưới gốc cây to hoặc cột điện cao thế.
+ Không cho trẻ đá bóng trên đường, không trèo cây, đu cây.
+ Dạy cho trẻ em biết những con vật nguy hiểm, những con vật không nguy hiểm để trẻ biết phòng tránh.
- Hướng dẫn và tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh: thăm quan, cắm trại...
- Chủ động cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy/xe đạp điện.
Ban Gia đình Xã hội - Hội LHPN tỉnh (sưu tầm)