Trong danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu QH khóa XV do Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, sẽ chọn để bầu 500 đại biểu. Theo đó, về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, người ứng cử là phụ nữ có 393 người, chiếm tỷ lệ 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong bốn khóa bầu cử ĐBQH gần đây. Riêng với khối T.Ư đạt gần gấp hai so với khóa XIV. Việc bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ trong QH và HĐND không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là cơ hội để phụ nữ khơi dậy, phát huy tiềm năng của mình, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu QH, đại biểu HĐND phải bảo đảm ít nhất 35%. Một số ý kiến cho rằng, để đạt được tỷ lệ nữ trúng cử là 30% thì tỷ lệ nữ ứng cử viên được quy định trong Luật là 35% chưa phù hợp, cần nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên lên 40 đến 45%. Tuy nhiên, với tỷ lệ ứng cử 45,28%, các chuyên gia bình đẳng giới cho rằng, chúng ta có quyền tin tưởng, tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa XV chắc chắn sẽ cao hơn.
Trước mắt, để đạt tỷ lệ ít nhất 30% như mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên. Cần tiếp tục nghiêm túc quán triệt nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là vai trò của người đứng đầu, tránh bệnh thành tích, quan tâm tới tính đặc thù. Phải có chính sách quan tâm, tạo mọi điều kiện để phụ nữ chủ động vươn lên, khắc phục khó khăn, tự tin khẳng định mình trong cuộc sống và công tác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, kịp thời phát hiện những hạn chế, nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời về công tác cán bộ nữ.
Cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt từ sớm; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ bảo đảm tính liên tục, bền vững. Cần tạo nguồn lãnh đạo là nữ, nữ trẻ từ địa phương, đơn vị, trong đó có vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tìm kiếm, giới thiệu các gương mặt nữ có đủ năng lực, phẩm chất cho Đảng, phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên đại biểu QH, HĐND các cấp; tập huấn nữ ứng cử viên tiềm năng; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử...
Các chuyên gia cho rằng, để tăng tỷ lệ nữ đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp, quan trọng nhất vẫn phải dựa trên chính khả năng, năng lực của các ứng cử viên. Do vậy, các nữ ứng cử viên cần xác định, việc tham gia bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, ứng cử vào các cơ quan dân cử, là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ, để tham gia một cách tích cực nhất. Đối với các nữ ứng cử viên, được giới thiệu để ứng cử vào QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trước hết đó là vinh dự cá nhân, đồng thời là trách nhiệm của họ đối với mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử. Do vậy, các nữ ứng cử viên cần tăng tốc chương trình hành động, nhập cuộc một cách tích cực, thể hiện sự bản lĩnh, tự tin trong quá trình vận động bầu cử, góp phần thể hiện hình ảnh, uy tín của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Nguồn: Báo ND