Trẻ em thường náo nức mong chờ Tết đến để được tặng quà và lì xì năm mới, nhưng mỗi em lại có thái độ khác nhau khi nhận những món quà này. Dạy trẻ cách ứng xử trong ngày Tết là điều mà cha mẹ nên làm để ý nghĩa ngày Tết thêm trọn vẹn.
Dạy bé cách xưng hô và cấp bậc trong gia đình
Đây có vẻ là điều khó khăn với một đứa trẻ mới lên ba bạn hãy bắt đầu từ những người thân quen mà bé hay tiếp xúc trước, ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, cậu, bác. Nên dạy chính xác những từ xưng hô và các đại từ nhân xưng. Thái độ dạy của bạn cần nghiêm túc và để bé cảm nhận được rằng, đó cũng là một việc nghiêm túc. Tuy nhiên, không áp đặt không khí căng thẳng, bắt ép. Khi thấy bé vui, bạn ướm lời mà bé tỏ ra thích thú đáp lại thì hãy bắt đầu.
Việc chào hỏi bạn cần dạy con hàng ngày, vì như thế khi gặp tình huống tự nhiên bé sẽ “bật” ra những gì đã học như một phản xạ. Bạn cũng nên thống nhất cách dạy con với chồng hay những người khác trong nhà. Khi bé lớn hơn, biết phân biệt, bạn hãy nói với con vì sao giữa các vùng miền có nhiều cách xưng hô, tên gọi khác nhau…
Dạy bé biết chúc Tết
Rất nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng bố mẹ chỉ biết chào và không biết phải chúc Tết thế nào. Thực ra, đây chỉ là kĩ năng giao tiếp mà cha mẹ hoàn toàn có thể dạy con cái. Nếu trẻ nhát, rụt rè khi gặp người lạ, bạn có thể từ từ hướng dẫn cho bé quen dần với phản xạ giao tiếp nhưng nếu đó là thói quen của trẻ thì bạn cần tập cho trẻ biết cách nói lời chúc Tết.
Trước khi đến nhà ai đó, bạn có thể soạn sẵn cho con lời chúc rồi cho con tập nói trước khi đi. Dần dần, con sẽ biết với người già, với vợ chồng mới cưới hay với các anh các chị thì cần những lời chúc thế nào cho phù hợp. Hãy giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại nên chúc nhau năm mới, ý nghĩa của những lời chúc. Khi trẻ đã hiểu được ý nghĩa của hành động chắc chắn trẻ sẽ tự giác nói những lời chúc đối với mọi người.
Dạy bé ứng xử khi nhận tiền lì xì
Với trẻ con, lì xì mang ý nghĩa rất lớn, người lớn lì xì cho trẻ con mong cho trẻ hay ăn chóng lớn, học hành chăm ngoan. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ đã rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” với khách vì câu nói vô tình của trẻ khi khách đến nhà chơi vào dịp Tết.
Bố mẹ nên dạy con biết ý nghĩa của việc lì xì và biết rằng, chuyện lì xì chỉ là kết quả hệ quả của lòng thương yêu và kính trọng qua những lời chúc mà trẻ con gửi đến người lớn, cũng như ngược lại chứ không phải đó là sự “trao đổi” theo công thức chúc Tết để được lì xì. Cần dạy cho trẻ xem chuyện lì xì là một hoạt động mang giá trị tinh thần trong một loạt các tục lệ của ngày Tết như tiễn ông Táo – cúng đêm Giao thừa – Đón ông bà gia tiên về ăn Tết – Hái lộc đầu xuân… và bố mẹ nên giải thích đơn giản cho con cái hiểu trước ngày Tết ý nghĩa của các hoạt động này.
Để giữ phép lịch sự, bạn nên dạy bé cách nhận phong bao lì xì bằng hai tay, cách nói lời cảm ơn và không bình luận về số tiền mừng tuổi trước mặt khách. Tốt nhất, bé sẽ cất tiền lì xì vào túi áo và đưa cho bạn sau đó. Nếu bé hiếu động, sợ rơi mất tiền, bạn nên gợi ý để mình giữ bao lì xì cho bé.
Rèn luyện cách cư xử khi đến nhà người lạ: Dù rằng đó là nhà ông bà ngoại hay nhà cậu dì rất thân thiết nhưng bạn cũng nên dạy bé những cách ứng xử lễ độ, đúng mực để tránh sự khó chịu cho cả bạn và gia chủ.
Với tuổi lên ba, trẻ thường học theo kiểu bắt chước, vì thế điều trước tiên là bạn hãy làm gương cho trẻ. Cha mẹ nên xưng hô đối xử với nhau nhã nhặn, nói năng có danh xưng rõ ràng để bé noi theo. Những từ đơn giản thể hiện phép lịch sự như "làm ơn”, “vui lòng”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “con có thể…” không chỉ cần thiết trong vài ngày Tết hay khi đến nhà người lạ mà cũng đó chính là văn hóa, lối sống lành mạnh hình thành nhân cách cho trẻ sau này. Bạn cần tích cực hướng dẫn bé cách sử dụng những cụm từ trên trong những tình huống phù hợp với sự kiên trì và luôn là hình ảnh mẫu mực để trẻ noi theo. Trên nền những phép lịch sự cơ bản ấy, bạn sẽ dễ dàng hướng dẫn trẻ làm thế nào để trở thành một vị khách tốt khi đến nhà người khác.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tập cho bé thói quen ngồi ngay ngắn khi tới bữa ăn, không được vòi vĩnh món nọ món kia theo ý thích, không mè nheo, đòi hỏi. Biết xếp lại đồ chơi sau khi chơi xong, biết xin phép khi muốn điều gì đó, biết xin lỗi khi làm vỡ đồ hay phạm lỗi…