Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện đề án “Giải quyết việc làm gắn với mục tiêu nghèo giảm nghèo bền vững huyện Ninh Giang giai đoạn 2016-2020”của Đảng bộ huyện Ninh Giang và Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”giai đoạn 2018 – 2025” của UBND huyện Ninh Giang, cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội LHPN, ngày 21/5/2018 HTX gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì, túi xách Nam Nghìn ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang được thành lập do chị Ngô Thị Thanh Nghìn, sinh năm 1974 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Giám đốc.
Đây có thể coi là minh chứng thuyết phục nhất của việc triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội LHPN trong việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2010, với sự ủng hộ của gia đình chị Ngô Thị Thanh Nghìn đã thành lập cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Nam Nghìn. Ban đầu chỉ có 10 -15 công nhân, chủ yếu là lao động nữ. Vừa làm vừa tìm hướng, đến năm 2016, được sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp trong tỉnh chị thành lập và ra mắt Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết làm nghề thủ công mỹ nghệ”. Với vai trò là chủ nhiệm mô hình, chị Nghìn tiếp tục phát huy vai trò của mình, vừa tìm nguồn hàng vừa vận động chị em tham gia. Chị chủ động phối hợp giữa các Trung tâm dạy nghề tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang, Trung tâm dịch vụ việc làm 8/3 – Phụ nữ Hải Dương,….để mở từ 1-2 lớp dạy nghề/năm cho các thành viên trong tổ, phối hợp với công ty tư nhân để nhận gia công các mặt hàng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ khi có việc làm mới, chị em tin tưởng, phấn khởi, tuyên truyền, giúp nhau học và nâng cao tay nghề. Từ 30 thành viên khi thành lập số lượng đã tăng dần lên trên 90 thành viên.
Qua 10 năm hoạt động số lượng công nhân ngày một tăng lên, công việc tương đối ổn định với thu nhập bình quân từ 1- 2,5 triệu đồng/tháng, cá biệt có nhiều chị em đạt từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đối với các thành viên HTX, không phải xa nhà, vẫn chăm lo cho gia đình, con cái và có khoản thu nhập ổn định như vậy đủ khiến họ cảm thấy hài lòng. Đặc biệt, cơ sở đã tạo việc làm cho hàng chục chị em là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người khuyết tật trên địa bàn. Hợp tác xã cũng tích cực tham gia ủng hộ kinh phí các hoạt động xã hội của địa phương. Trong các dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Hội, lễ, Tết, chị Nghìn thường xuyên phối hợp với chi hội phụ nữ tổ chức các hoạt động tập thể, nuôi lơn tình thương tặng quà, động viên các thành viên HTX, nhất là các chị em nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. HTX cũng thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho xã viên và trình độ, năng lực quản lý và tư duy kinh tế, thương mại cho những người phụ trách. Do đó, sự gắn bó với HTX của các thành viên ngày càng bền chặt.
Chứng kiến những thành quả mà HTX đã gặt hái trong thời gian qua, các thành viên đều nhất trí cho rằng nó đã được khởi nguồn từ những trăn trở của chị Ngô Thị Thanh Nghìn từ hơn 10 năm trước. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Ninh Giang, chị Nghìn nhận thấy phụ nữ phần lớn chủ yếu là tham gia sản xuất nông nghiệp. Mỗi khi hết mùa vụ, hầu như chị em không có việc làm, có chị thì đi bắt cua, ốc, hoặc làm những công việc không ổn định để có thêm thu nhập cho gia đình. Đối với chị em sức khỏe hạn chế, khuyết tật thì lại càng khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đa phần vẫn là nhỏ lẻ, chi phí cao, đầu ra của sản phẩm lại bấp bênh, thiên tai, dịch bệnh,…nên nhiều gia đình kinh tế rất khó khăn. Vì vậy, nhiều phụ nữ tại địa phương đã đi làm công ty hoặc đi làm ăn xa với mong muốn có thu nhập cao hơn. Nhưng không phải mọi thay đổi đều thuận lợi, chị Nghìn đã nhìn thấy những gia đình đỗ vỡ, những phụ nữ bị lừa gạt, những đứa trẻ xa cha mẹ dẫn đến hư hỏng, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cơ sở sản xuất, Tổ liên kết và bây giờ là HTX ra đời đã phần nào giúp chị Nghìn giải tỏa những băn khoăn, trăn trở ấy. HTX gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì, túi xách Nam Nghìn hiện nay với đầy đủ tư cách pháp nhân đã ký được nhiều đơn hàng hơn. Trước đó, cơ sở của chị chỉ nhận làm hàng gia công thủ công mỹ nghệ của Công ty Vân Anh với sản phẩm bình quân khoảng 60.000 sản phẩm/tháng (tiền công là 42 triệu đồng); sau khi thành lập HTX , số lượng đã tăng lên 90.200 sản phẩm/tháng (tiền công là 65 triệu đồng). Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng với Bộ quốc phòng nhận may túi xách phân phối cho các siêu thị với 80.150 sản phẩm/tháng cho thu nhập 137 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng sau khi chi trả lương cho thành viên HTX, công cho người lao động và các chi phí khác thì HTX hưởng lãi từ 25 đến 30 triệu đồng.
Phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ Hải Dương nói riêng đang ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương dám nghĩ, dám làm. Chị Ngô Thị Thanh Nghìn và xã viên HTX gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì, túi xách Nam Nghìn đã có được sự quyết tâm, đoàn kết để xây dựng một tập thể mạnh, cũng là một mô hình kiểu mẫu mà nhiều phụ nữ có thể học hỏi. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều Tổ liên kết, HTX như Nam Nghìn góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, góp thêm tiếng nói khẳng định vai trò của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hội LHPN huyện Ninh Giang