Chị Hoàng Thị Ánh, sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên ở thôn An Lão, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ. Năm 1998, chị bén duyên với mảnh đất Thanh Hà khi kết hôn cùng anh Nguyễn Hữu Dương, sinh 1976 người thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập.
Từ năm 2000, sau khi sinh con trai lớn đầu lòng, kinh tế gia đình lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù rất muốn tăng gia phát triển kinh tế, nhưng lại không có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Song là người phụ nữ có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, không chịu khuất phục trước khó khăn, năm 2008, chị Ánh bàn với chồng đầu tư đấu thầu 2.500 m2 đất bãi ngoài đê để phát triển dịch vụ thương mại, cung cấp vật liệu xây dựng cho bà con trong và ngoài xã. Theo chị Ánh, đây là ngành nghề đặc thù, không lo lắng về dịch bệnh, cũng không sợ giá cả, nhưng khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư, bởi nguồn vốn cho loại hình kinh doanh này lên đến cả tỉ đồng. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Lập và các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Thanh Hà và họ hàng, anh em… Gia đình chị đã vay được tư 3 tỉ đồng đầu tư để mua máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ công việc. Mọi công việc như nhận đơn hàng đến việc chở vật liệu cho người dân, lái máy xúc cho các công trình, chị đều làm phụ giúp chồng.Với sự nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, cùng với nhu cầu xây dựng của nhân dân ngày càng tăng cao. Sau 5 năm đầu tư kinh doanh, gia đình chị đã thu hồi được vốn. Năm 2018, gia đình chị đăng ký là hộ kinh doanh cá thể Dương Ánh, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Thu nhập bình quân của gia đình chị năm sau đều cao hơn năm trước, mỗi năm trừ chi phí anh chị thu lãi 500 đến 700 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy nguồn lợi và thu nhập từ con rươi, con cáy ngày càng phát triển, chị Ánh đã mạnh dạn bàn bạc với chồng mua thêm 3 mẫu bãi rươi ở huyện Tứ Kỳ để phát triển nghề nuôi rươi, cáy. Đất không phụ công người, những giọt mồ hôi của anh chị ngày đêm đổ trên đất bãi cũng đến ngày đơm hoa kết trái. Hiện nay, bãi rươi, cáy hàng năm cũng cho thu nhập từ 700 đến 800 triệu đồng, trừ chi phí gia đình chị lãi khoảng 500 triệu đồng. Có vốn trong tay, đầu năm 2022 gia đình anh chị còn đầu tư xây dựng xưởng tái chế nhựa với diện tích 500 m2. Điều đặc biệt của khu xưởng đó là đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho từ 50 đến 60 lao động địa phương, với mức lương từ 4 đến đến 4,5 triệu đồng/tháng. Những lao động này phần lớn là người cao tuổi đã hết độ tuổi lao động, không thể vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Với sự phát triển kinh tế đa ngành nghề, hiện nay gia đình chị chu thu nhập từ 1,3 tỷ- 1,4 tỷ/ năm.
H/A chị Hoàng Thị Ánh đang lái máy xúc đưa vật liệu lên ô tô để chở vật liệu cho khách tại Vĩnh Lập, Thanh Hà
Trong gia đình, chị là người vợ hiền, người mẹ đảm đang, lo toan công việc, vun vén, xây dựng tổ ấm. Chị và chồng chị rất chú ý rất chú ý đến việc học tập của các con, luôn dậy dỗ các con sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trên, nhường dưới, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, tích cực học tập. Con trai lớn của chị hiện đang là học viên năm thứ 4 Học viện Công an Nhân Dân ở Hà Nội. Con trai thứ 2 của chị đang là sinh viên của trường Đại học Kinh tế, quản trị kinh doanh. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, là những sinh viên xuất sắc được thầy yêu, bạn mến.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng chị Ánh luôn là một hội viên phụ nữ gương mẫu đi đầu, tích cực tham gia các phong trào của thôn, xóm và luôn được chị em tin tưởng, quý mến. Chị luôn vận động người thân trong gia đình và hội viên phụ nữ chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đề ra.” Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, chị đã tích cực tham gia và vận động người thân ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương. Theo đó, gia đình chị đã ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm như: nước sát khuẩn, khẩu trang, nước uống… phục vụ công tác phòng chống dịch với tổng số tiền gần 8 triệu đồng. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chị Ánh đã tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia góp tiền, công lao động mở rộng đường giao thông thôn, xóm.
Có thể thấy rằng, chị Hoàng Thị Ánh là một hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Hải Dương thời hiện đại mang đầy đủ phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, noi gương Bác để vươn lên trong cuộc sống. Chị được cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong xã luôn tin yêu, mến phục và học tập noi theo./.
Hội LHPN huyện Thanh Hà