Cách nói bình dị, mộc mạc của người phụ nữ nông dân về những khó khăn của bản thân, gia đình, về nghị lực và cả những thành công hôm nay đã chạm tới trái tim, tới xúc cảm của tất cả mọi người.
Chị Hương sinh năm 1970, là người làng Bình Đê, xã Bình Xuyên. Năm 1990 chị kết hôn với anh Trần Văn Xô, ở thôn Như Học cùng xã. Năm 1992 anh chị sinh con trai lớn Trần Văn Độ và năm 1994 sinh con trai thứ hai Trần Văn Đệ. Sống cùng với bố mẹ chồng, anh chị được ông bà đỡ đần chăm lo cháu nhỏ để yên tâm lao động sản xuất. Với 1,2 mẫu ruộng cho 6 khẩu, cũng phải khéo thu vén mới đủ chi tiêu eo hẹp. Trong hoàn cảnh đó, năm 1998, mẹ chồng chị ốm rồi qua đời, nỗi buồn mất đi người thân chưa kịp lắng xuống thì anh Xô – chồng chị phát hiện bị bệnh suy thận. Đêm 30 Tết, gửi 2 con nhỏ lại cho ông nội, chị đưa anh nhập viện. Bắt đầu từ đó là chuỗi ngày chị cùng anh chiến đấu với bệnh tật, 3 lần/tuần anh phải lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để lọc máu, 6 năm trời đằng đẵng anh đi đi về về giữa nhà và bệnh viện như thế, còn chị vừa lo lắng cho sức khoẻ của chồng vừa phải lo kiếm tiền cho anh chữa bệnh và nuôi con, … Riêng chi phí chữa bệnh cho anh Xô năm đầu tiên mất gần 50 triệu đồng, những năm sau anh được cấp sổ bảo hiểm y tế hộ nghèo nên chi phí trung bình khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm.
Người ngoài nhìn vào chỉ thấy một gánh quá nặng đối với người phụ nữ trẻ mới gần 30 tuổi còn chị Hương chỉ biết mình là người duy nhất trong nhà có thể lo toan, có thể làm trụ cột, không còn con đường nào khác, không có lựa chọn nào hơn. Nén lại tất cả vất vả, khó khăn, chị tự động viên mình cứng cỏi, làm chỗ dựa cả về vật chất, tinh thần cho người thân.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình, hai con của anh chị đều rất ngoan ngoãn, biết thương yêu ông, bố mẹ và học rất giỏi. Chị Hương cho biết vợ chồng chị thương con nhưng không chiều con. Chị luôn động viên các con vượt lên những khó khăn và chỉ có con đường học vấn mới giúp tương lai tươi sáng. Hai con của anh chị vì thế đã sớm có ý thức tự lập, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập. Cháu Trần Văn Độ khi còn là học sinh lớp 12 Chuyên Toán trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia và đạt Giải Nhì. Khi vào học lớp Cử nhân tài năng Khoa Toán - Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, cháu tiếp tục khẳng định khả năng nổi trội về môn Toán, năm 2011 cháu đạt giải Nhất môn Toán Giải tích trong Kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc, năm sau, cháu dự thi cả 2 môn Đại số và Giải tích, đạt 1 giải Nhì, 1 giải Nhất. Với kết quả đó, Trần Văn Độ vinh dự là 1 trong 4 thành viên của đội tuyển Olympic Toán học sinh viên Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học sinh viên quốc tế (IMC) lần thứ 19 được tổ chức tại Bungary với 207 trường đại học từ 47 nước tham gia. Độ là 1 trong 2 sinh viên giành Huy chương Bạc (không có Huy chương vàng) của đoàn Việt Nam năm đó. Bốn năm học Đại học cháu đều được học bổng toàn phần của nhà trường, tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên. Tháng 8 tới đây, Trần Văn Độ lại có cơ hội nâng cao, phát triển về Toán học khi nhận được học bổng toàn phần du học tại Mỹ trong thời gian 81 tháng. Riêng cậu con trai thứ hai Trần Văn Đệ lại yêu thích Tin học và đam mê kỹ thuật nên chọn học khoa Cơ khí của Học viện kỹ thuật quân sự Hà Nội và hiện đang là sinh viên năm thứ 3 .
Nỗ lực trau dồi, phấn đấu nhưng trên con đường chinh phục tri thức của mình các cháu vẫn không quên sự tảo tần của cha mẹ, những khó khăn riêng của gia đình. Trần Văn Độ vẫn không ngừng đam mê với Toán nhưng giành học bổng, nắm bắt cơ hội việc làm để bố mẹ đỡ phải lo toan cũng là một mục tiêu. Với Trần Văn Đệ, đã chọn ngành nghề theo khả năng nhưng cũng chọn trường học trong quân đội để giảm gánh nặng cho gia đình. Suy nghĩ và hành động như thế của những bạn trẻ có lẽ cũng bắt nguồn từ việc giáo dục chu đáo của cha mẹ.
Gánh vác việc gia đình, nuôi dạy con thành tài, chị Hương cũng là người phụ nữ chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có sự hỗ trợ của anh em họ hàng, tổ chức Hội LHPN cùng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, chị đầu tư mua 1 con bò và 1 con lợn nái. Có vốn ban đầu, chị dần mở rộng chăn nuôi, xây hầm biogas,….Hiện nay, gia đình chị vẫn cấy 1,2 mẫu ruộng, nấu rượu và chăn nuôi 4 con lợn nái, mỗi năm lợn nái đẻ được 50 – 60 con lợn con lại nuôi lớn để bán lợn thịt, tổng thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Gần 20 năm qua, từ chỗ phải vay mượn liêu xiêu đến nay chị Hương đã trang trải được phần lớn chi tiêu trong gia đình. Những lo toan với chị Hương hiện tại cũng đã nhẹ dần. Anh Xô vẫn 3 lần/tuần đi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (từ năm 2005, anh được chuyển về điều trị tại đây) nên cũng đỡ đần chị được những việc nhà, bố chồng chị tuổi cao lại bị bệnh viêm tiền liệt tuyến (từ năm 2008) nhưng cũng kiên trì điều trị nên sức khoẻ đã có tiến triển, hai con trai khôn lớn, gặt hái được những thành công trên bước đường học tập, công tác. Đó là niềm vui, hạnh phúc, mong ước lớn nhất của chị Hương.
Bà con trong xóm ngoài làng đều cảm phục và kính trọng tấm gương vượt khó của gia đình anh chị. Chị Nguyễn Thị Hương - người phụ nữ duy nhất trong gia đình, người con dâu hiếu thảo, người vợ hiền, người mẹ đảm đang và cũng là người trụ cột lo toan – đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực, về tấm lòng hiếu thuận với cha mẹ, về tình yêu thương, đức hi sinh dành cho chồng, con. Mọi người thường bảo: Trách nhiệm, tình thương yêu, nghị lực, đức hi sinh, tinh thần hiếu học là những tài sản giá trị trong căn nhà đơn sơ, thiếu thốn nhiều thiết bị, tiện nghi của gia đình anh chị.
Dù trải qua bao vất vả, nét đằm thắm, đôn hậu trên khuôn mặt, vóc dáng của người phụ nữ nông dân ấy vẫn đem đến cho người đối diện nhiều thiện cảm. Với người thân trong gia đình, nhờ có chị, anh Xô có thêm nhiều động lực để chiến thắng bệnh tật, các con có thêm động lực để chinh phục những đỉnh cao tri thức. Chị đã là điểm tựa vững vàng để ước mơ của các con mình được bay cao, bay xa.
Thuỳ Lâm - Hội LHPN tỉnh Hải Dương