Những năm gần đây, cùng với sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của thành phố Hải Dương, làng nghề bánh đa Lộ Cương có những hướng đi, cách làm phù hợp đã giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.
Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương từ những năm 1960. Nhưng đến năm 1990 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất. Tháng 3/2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Đến năm 2018, thành phố Hải Dương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh đa Lộ Cương và triển khai hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương. 17 năm kể từ khi được công nhận làng nghề, làng nghề bánh đa Lộ Cương đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, thu hút hơn 150 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với hơn 35% dân số làm nghề trong đó khoảng 80% chị em phụ nữ tham gia.
Ngày trước, khi máy móc công nghệ còn hạn chế, người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi, nhưng những năm gần đây bánh đa Lộ Cương được sản xuất theo hệ thống liên hoàn hoặc bán thủ công,nhiều hộ trong làng nghề đã đầu tư dây chuyền khép kín, từ máy xay bột, tráng bánh đến cắt bánh... giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực. Nghề làm bánh đa rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Để có bánh đa ngon phải đảm bảo các yếu tố: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ nhiệt độ cao. Người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ. Do vậy công đoạn sấy bánh cũng thường do những người có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện. Bánh đa sau khi tráng và phơi khô sẽ được cắt thành những sợi nhỏ và được tạo hình thành những con sò hay con gập, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện nay, làng nghề còn 16 hộ sản xuất theo hướng tập trung. Các hộ đầu tư dây chuyền sản xất tự động, mỗi dây chuyền sản xuất từ 3 đến 5 tấn sản phẩm/ngày, tăng từ 15 đến 20 lần so với sản xuất thủ công. Mỗi ngày, làng nghề bánh đa Lộ Cương cho ra lò khoảng 60 tấn bánh. Bánh đa của Lộ Cương nổi tiếng thơm ngon và sạch: sợi bánh mỏng, mềm, dai và gần như trong suốt; khi chần qua nước sôi, bánh có độ kết dính vừa phải, không bị rời cũng không bị vón thành tảng, không nhũn nát và có vị ngọt đậm đà, đặc trưng của gạo, vì thế được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm của làng bánh đa Lộ Cương được tiêu thụ ở khắp cả nước và xuất khẩu.
Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhận thấy được tiềm năng phát triển của làng nghề truyền thống, Hội Phụ nữ phường Tứ Minh khai thác gần 2 tỷ đồng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ TYM cho 50 hộ gia đình vay vốn để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Qua đó đã tạo công ăn việc làm cho 170 chị, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời vận động chị em kinh doanh dịch vụ tăng thu nhập từ 12 - 15 triệu/tháng...Từ kết quả trên, 5 năm qua phường Tứ Minh đã có 7 hộ phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo.
Làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương
Làng nghề bánh đa Lộ Cương hôm nay có nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, những con đường bê tông và hệ thống thoát nước kiên cố nhưng vẫn mang nét đẹp của làng nghề truyền thống trong không gian văn hóa Việt. Không chỉ quan tâm, hỗ trợ sản xuất cho bà con, thời gian tới, tỉnh Hải Dương còn đẩy mạnh phát triển làng nghề bánh đa Lộ Cương gắn với phát triển du lịch.
Ngô Thùy Dung