Thực hiện tốt nhiệm vụ này tổ chức Hội không chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà còn thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp phụ nữ theo Điều lệ Hội, góp phần thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong tham gia quản lý Nhà nước. Đứng trước những yêu cầu như vậy, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, các cấp Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em, các văn bản pháp luật mới ban hành thông qua các hình thức: tập huấn, trao đổi, tọa đàm, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các vở kịch, bài hát tự biên,... Từ năm 2011 đến nay các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức được 652 lớp tập huấn, buổi tuyên truyền cho 67.956 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự. Đặc biệt, chuyên trang "Phụ nữ và luật pháp chính sách" trên Bản tin phụ nữ Hải Dương (phát hành 1 số/quý, từ quý II/2014) trang bị tới cán bộ Hội chuyên trách 3 cấp và 100% chi Hội phụ nữ làm tài liệu sinh hoạt cung cấp nhiều kiến thức cần biết cho hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phát động hội viên phụ nữ tham gia viết bài dự thi tìm hiểu kiến thức pháp luật: tìm hiểu Hiến pháp, tìm hiểu Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Biển Việt Nam, Luật Hợp tác xã có 85.145 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia viết bài dự thi.
Công tác giám sát và phản biện xã hội tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng được Hội LHPN các cấp trong tỉnh từng bước triển khai và đã có những kết quả bước đầu. Trong nhiệm kỳ qua, cán bộ Hội phụ nữ đã tham gia gần 860 đoàn giám sát do HĐND, MTTQ và các ngành chức năng về việc thực hiện Luật Viên chức, chế độ chính sách đối với giáo viên nữ, giám sát việc dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn, giám sát việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại Uỷ ban nhân dân một số địa phương trong tỉnh. Qua giám sát đã có nhiều ý kiến kiến nghị sát đáng gửi HĐND tỉnh, các ngành chức năng xem xét điều chỉnh, rút kinh nghiệm những hạn chế thiếu sót và đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Hội LHPN các cấp cũng đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ việc tại một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh, tiếp nhận gần 875 đơn thư, phối hợp xử lý được 627 đơn; cán bộ Hội phụ nữ phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác hoà giải ở cơ sở, tham gia giải quyết thành công 1.075 vụ việc. Qua đó, đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, vun đắp sự hoà thuận trong gia đình.
Bước vào nhiệm kỳ mới, việc "Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách của các cấp Hội" được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn là một trong hai khâu đột phá. Do vậy, vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong công tác tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới ngày càng đòi hỏi cao hơn. Phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ này góp phần khẳng định ngày một mạnh mẽ hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em của tổ chức Hội LHPNn
Đỗ Thị Thanh - UVBTV
Trưởng ban Chính sách luật pháp