Chị Nguyễn Thị Hồng Vức nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ X
Trồng trọt, chăn nuôi theo truyền thống rồi kinh doanh vật liệu xây dựng, năm 2009, nghề nuôi cá lồng bắt đầu phát triển ở địa phương thì năm 2010 gia đình Vức xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. Từ 7 lồng cá ban đầu ghép chung với các hộ khác, gia đình đã nhận khoán 7.500 m2 bãi bồi ven sông của UBND xã và đầu tư 30 lồng khung kẽm, bao lưới xung quanh, diện tích 108 m2/lồng. Tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất, giống nuôi và thức ăn khoảng 25 tỷ đồng, gia đình chỉ có khoảng 20% vốn còn lại là nguồn vốn vay Ngân hàng. Khởi nghiệp như thế là có phần mạo hiểm nhưng bản thân Vức và gia đình cũng có niềm tin của mình. Ít người biết rằng, trước khi bắt tay vào nuôi cá Vức đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia, khảo sát thị trường tiêu dùng. Vức cũng vào tận Đồng Tháp để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tiễn.
Giai đoạn đầu, gia đình Vức nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm thường vì đó là những giống dễ nuôi, vốn ít và dễ bán. Dần tích lũy kinh nghiệm và có thêm vốn, gia đình mạnh dạn đầu tư tăng dần số lượng lồng, đến nay đã có 60 lồng, trong đó có 30 lồng cá lăng, 20 lồng cá diêu hồng và 10 lồng cá trắm giòn, chép giòn và ngạnh sông. Chi phí giống và thức ăn mỗi lồng dao động từ 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/lồng, tùy theo giống cá, những loại như trắm giòn, chép giòn, ngạnh sông là “cá đặc sản” thì chi phí cao hơn. Cá lăng thì sau 2 năm, cá diêu hồng thì 10 tháng và trắm giòn, chép giòn, ngạnh sông là 1 năm sẽ được thu hoạch, bình quân mỗi lồng cá có lãi từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 8 – 12 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Những con số tính toán ngắn gọn và “hấp dẫn” nhưng mồ hôi và có khi cả nước mắt thì không bao giờ tính được. Nuôi cá trên sông có thuận lợi hơn so với nuôi cá trong ao vì nguồn nước lưu thông, ít bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, chất lượng thịt ngon nên giá bán cũng cao hơn nhưng việc nuôi trồng bất cứ cây, con gì cũng vậy, vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thời tiết, môi trường xung quanh. Có thời điểm cá bị dịch bệnh chết hay khi mưa lũ, người nuôi cá như ngồi trên đống lửa, nước mắt hòa với nước mưa. Đàn cá của gia đình có lúc bị dịch bệnh chết tới 20%, bản thân Vức và mọi người trong gia đình cũng lo lắng, mệt mỏi nhưng vẫn không chùn bước, Vức tìm hiểu các phương pháp trị bệnh cho cá đồng thời gọi điện mời chuyên gia về hỗ trợ. Cũng sau lần đó, một kinh nghiệm rút ra là nếu để dịch bệnh xảy ra thì môi trường nước lây lan rất nhanh nên cách tốt nhất chính là phòng bệnh chứ không phải chữa bệnh. Cần thường xuyên giữ vệ sinh xung quanh khu vực nuôi, xử lý nguồn nước bằng phương pháp khoa học để đảm bảo môi trường sống trong sạch cho cá. Và các hộ nuôi cá phải cùng thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Có được sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng từ cha đẻ và chồng nhưng bản thân Vức cũng là người chịu khó quan sát, ham học hỏi, say việc và cầu toàn trong công việc. Ví như việc chọn cá chép, cá trắm để nuôi chuyển giòn cũng cần phải hết sức công phu (cá chép, cá trắm bình thường, trọng lượng khoảng 2 kg được mua về thả lồng và chỉ cho ăn hạt đậu tằm, sau khoảng 9 tháng đến 1 năm, thịt cá sẽ săn chắc lại, giảm mỡ trên da, giòn, rất thơm ngon). Nguồn cung giống cá Vức cũng phải đặt hàng ở Hưng Yên tại một số ao nuôi có môi trường đất sét và chỉ nuôi thuần cá chép hoặc trắm, không nuôi tạp. Còn thức ăn cho các loại cá này là hạt đậu tằm, chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, tại Việt Nam đã có trồng nhưng số lượng còn hạn chế. Biết đây là thức ăn hữu cơ, thuần thiên nhiên, giàu dinh dưỡng và đảm bảo an toàn về sức khoẻ nhưng vì là loại thực phẩm mới nên Vức vẫn phải tìm hiểu thông tin và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Sau khi tìm hiểu kỹ về quy trình nuôi cá trắm giòn, chép giòn bằng hạt đậu tằm và được sự tư vấn trực tiếp của Tiến Sĩ Kim Văn Vạn, thuộc Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam thì Vức mới thật sự yên tâm. Theo Tiến sĩ Vạn, trong đậu tằm, hàm lượng protein thô chiếm tới 31% và lượng lipid thô (tạo mỡ) chỉ chiếm chưa tới 0.5%, cùng với 8 loại axit amin cần thiết cho cá, còn có 49% hàm lượng tinh bột. Chính vì vậy thịt cá được thay đổi cấu trúc, tăng chất lượng thịt cá, giúp thịt cá có độ dai hơn và chắc giòn.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông bước đầu đã đem đến cho Nguyễn Thị Hồng Vức và gia đình những thành công nhưng với cô gái sinh năm 1982 này thì dường như vẫn còn rất nhiều khát vọng. Luôn trăn trở với bài toán đầu ra, bài toán hội nhập cho sản phẩm “cá lồng Nam Tân” nói riêng và nông sản nói chung của người nông dân quê hương. Tham dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần thứ II vừa được tổ chức vào tháng 12/2015, Vức cũng đem băn khoăn ấy chia sẻ khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Là 1 trong 9 nữ thanh niên (trong tổng số 150 thanh niên) của cả nước và nữ thanh niên duy nhất của tỉnh Hải Dương nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ X năm 2015 - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được trao hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực cho hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị - là niềm tự hào và kỷ niệm đẹp đối với Vức. Chị cho rằng được nhận giải thưởng mang tên nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam Lương Định Của là niềm mơ ước đối với bất kỳ thanh niên nông thôn nào và với mục tiêu động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thì Giải thưởng không chỉ mang đến niềm tự hào mà còn trao trách nhiệm đối với thế hệ trẻ nông thôn.
Không chỉ mạnh dạn, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương mà Nguyễn Thị Hồng Vức còn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, cô vừa tốt nghiệp ngành Công tác xã hội của Đại học sư phạm Hà Nội, đang học Trung cấp Lý luận Chính trị và đã được tuyển dụng là cán bộ văn phòng, thống kê của UBND xã Nam Tân. Vức tâm sự rằng “dù có làm gì em trước sau vẫn là nông dân chính hiệu, làm cán bộ cơ sở thì càng phải gần gũi và hiểu nhân dân”. Với gia đình nhỏ của mình, Vức cũng là người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát. Chồng Vức cũng là một tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Hải Dương, con gái, con trai đang học Tiểu học đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi. Thiết nghĩ, “gia tài” như thế với một nữ thanh niên 8X cũng là niềm mơ ước của biết bao người, đó cũng là thành quả xứng đáng dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người con gái giàu ý chí.
THÙY LÂM
Hội LHPN tỉnh Hải Dương