COVID-19 khiến lao động nữ di cư bị ảnh hưởng trầm trọng
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 30/6 vừa qua, số người lao động di cư ra nước ngoài trên toàn cầu đã lên đến 169 triệu người, tăng 3% kể từ năm 2017, trong đó số lao động nữ di cư là 70 triệu người. ILO nhận định, đại dịch Covid-19 khiến nữ lao động di cư ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước. Những người này bị trả lương thấp, làm những công việc đơn giản, ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, phụ nữ di cư theo gia đình hơn là tìm kiếm việc làm. Nếu phụ nữ tìm việc, đa phần công việc sẽ là nhân viên chăm sóc như nhân viên y tế và giúp việc gia đình. Trong khi, nam giới thường chọn làm trong lĩnh vực công nghiệp.
Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế- xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
Tại Hội thảo trực tuyến về tăng cường vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng vừa diễn ra ngày 13/7, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết: Trong thời gian đại dịch, số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm, trong khi đó tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp mặc dù kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đã được tăng cường. “Trước tình hình trên, việc tiếp tục thông tin đầy đủ và chính xác về các vấn đề di cư có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, ngăn chặn di cư trái phép, mua bán người, bảo vệ quyền của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư. Đây là vai trò quan trọng của truyền thông đã được nêu tại Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM)”, ông Quảng thông tin.
Bà Valentina Barcucci, Quản lý Văn phòng ILO tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng. Tuy nhiên bà cũng cảnh báo, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư. Phụ nữ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới và chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới vốn đã hiện hữu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.
Từ thực trạng trên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả nội dung đưa tin và cách thức đưa tin về di cư thực sự quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi phương tiện thông tin truyền thống và truyền thông xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống.
“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan truyền thông báo chí tham gia tích cực hơn và có trách nhiệm hơn trong việc chấm dứt bạo lực đối với lao động nữ di cư”, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.
Phác họa chân dung phụ nữ phụ nữ di cư lao động bằng sự nhạy cảm giới
Thật vậy, vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc phác họa chân dung phụ nữ lao động và phụ nữ di cư lao động là rất quan trọng. Lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử vì họ là phụ nữ và người di cư. Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức của công chúng, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc hình thành các chính sách và các quy định để bảo vệ quyền của họ cũng như cung cấp dịch vụ cần thiết.
Trong một thế giới mà quan niệm tiêu cực về lao động di cư và phụ nữ bị bạo lực vẫn còn phổ biến, thì cần phải đảm bảo tính chính xác trong diễn ngôn trước công chúng, tránh xa các thuật ngữ phi nhân hóa. Theo đó, Chương trình An toàn; Bình đẳng (Safe and Fair) của ILO-UN Women: Hiện thực hóa các quyền và cơ hội của lao động nữ di cư trong khu vực ASEAN trong khuôn khổ Sáng kiến nhiều năm của EU-LHQ nhằm Xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái từng đưa ra Bảng thuật ngữ thân thiện với truyền thông về di cư an toàn và bình đẳng và khuyến cáo nên sử dụng khi cung cấp tập huấn và viết bài về chủ đề liên quan đến di cư lao động của phụ nữ, như: Quốc gia đến, nước đến (thay vì “Nước tiếp nhận); Người di cư không hợp thức/không theo kênh chính thống (thay vì “Người di cư bất hợp pháp”); Lao động giúp việc gia đình (thay vì “Người giúp việc”, “người hầu”); Người bị cưỡng bức lao động (thay vì “Nô lệ”); Bảo vệ các quyền phụ nữ (thay vì “Bảo vệ phụ nữ”)…. Việc lựa chọn và sử dụng từ ngữ phù hợp có thể góp phần tích cực vào việc hình thành nhận thức tích cực về phụ nữ lao động di cư và những người bị bạo lực, tạo ra một nền tảng chung để hướng tới một thế giới trong đó các quyền của tất cả mọi người đều được tôn trọng.
Vai trò của truyền thông trong việc phác họa chân dung phụ nữ lao động và phụ nữ di cư lao động là rất quan trọng. TrongThỏa thuận GCM có Mục tiêu 17c: Loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử và thúc đẩy diễn ngôn công cộng dựa trên bằng chứng để định hướng nhận thức về di cư
Truyền thông có sự nhạy cảm giới cũng là cách trao quyền cho phụ nữ di cư lao động. Theo đó, mỗi câu chuyện, mỗi bài viết cần phải đảm bảo được phản ánh/đưa tin chính xác, công bằng, khách quan, không thiên vị và đồng cảm. Nghĩa là dựa trên bằng chứng và có bối cảnh minh họa chính xác; Tôn trọng tiếng nói của phụ nữ lao động di cư thay vì mặc định theo khuôn mẫu; Người được phỏng vấn phải được thông báo chính xác và rõ ràng về mục đích của cuộc phỏng vấn cũng như trường hợp sử dụng ảnh; Cẩn thận với việc lựa chọn hình ảnh đi kèm với câu chuyện bởi hình ảnh gây hiểu lầm và giật gân có liên quan đến tội ác, bạo lực và lạm dụng có thể gây ấn tượng sai về bản chất của câu chuyện và có thể khiến những người phụ nữ trong câu chuyện trở thành nạn nhân (sang chấn kép).
Để làm được điều đó, người làm truyền thông cần đảm bảo bối cảnh của câu chuyện được cung cấp và câu chuyện được ghi lại một cách công bằng; Đảm bảo rằng tiếng nói của người di cư được lắng nghe; Tập trung vào hiện trạng của câu chuyện; Có sự đồng ý của người được đưa tin, và cho họ biết về kế hoạch thu thập và sử dụng thông tin; Đối với người vị thành niên, cần sử dụng ngôn ngữ thân thiện với trẻ em với sự có mặt của người giám hộ hợp pháp; Tránh chia sẻ hoặc công bố thông tin dễ xác định/ nhận dạng người bị bạo lực, ngay cả khi tên thật không được tiết lộ, thận trọng với các chi tiết có thể tiết lộ danh tính của họ; Tránh dùng ngôn ngữ làm gia tăng các định kiến; Không nhận xét về ngoại hình, giọng nói của người trả lời; và Tránh sử dụng những hình ảnh có thể tạo ra ấn tượng tiêu cực về phụ nữ di cư…