Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc hội
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp – TƯ Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ đồng tình với 8 nhóm giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm; đồng thời nhấn mạnh, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ, quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra.
Về phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thực hiện hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine và đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho nhân dân. Trong đó ưu tiên cho các tỉnh Nam bộ, tỉnh có nguy cơ cao, nơi có nhiều khu công nghiệp để tránh rơi vào tình trạng bị động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng cho các đối tượng là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, khi Việt Nam mua được các loại vaccine phù hợp, có độ an toàn cao và có đầy đủ dữ liệu về độ an toàn của vaccine với các đối tượng này.
Về giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Báo cáo của Chính phủ đã nêu việc chuẩn bị tốt các điều kiện an toàn chuẩn bị cho năm học mới. Để thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả hơn, đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có kế hoạch dạy và học chủ động hơn cho năm học mới 2021 – 2022, tránh tình trạng bị động, chưa thi học kỳ học sinh đã phải nghỉ hè. Tình trạng này càng làm cho thầy cô, học sinh và gia đình có tâm lý lo lắng và áp lực.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai hình thức học, thi trực tuyến. Đây là giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay, tuy nhiên, với địa bàn nông thôn, miền núi còn khó khăn, cử tri tỏ ra lo lắng, bởi không phải ở khu vực nào, gia đình nào cũng đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ, máy móc cho học trực tuyến. Đại biểu cho rằng, bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, "rất mong Bộ giáo dục có phương án dự phòng ngay từ bây giờ, tránh tình trạng bị động trong việc học và tổ chức thi cử".
Góp ý thêm vào báo cáo đánh giá thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần phải kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chăm lo đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người nuôi con nhỏ, đảm bảo bình đẳng giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm bất bình đẳng vốn có trong thị trường lao động và tạo ra bất bình đẳng mới. Đơn cử như việc phụ nữ đối mặt tình trạng giảm số giờ làm, làm công việc thiếu ổn định, dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp hơn so với nam giới.
Theo báo cáo mới đây về tình trạng già hóa dân số ở nước ta, trong số 13,4 triệu người già khoảng 64,4% là không có lương hưu, trợ cấp. Họ phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc phải lao động trực tiếp để mưu sinh. Đối tượng này sẽ bị tác động nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh, nên rất cần Chính phủ quan tâm, có những giải pháp, chính sách phù hợp.
Mới đây, Chính phủ đã có Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng gặp khó khăn do đại dịch; trong đó đã có sự "nhạy cảm giới" với 12 chính sách cho các nhóm đối tượng (trong đó có phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi được hỗ trợ) - đây là chính sách rất kịp thời và nhân văn. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, để kịp thời phát hiện bất cập, hạn chế, sai sót, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, nhân văn của chính sách này.
Nguồn: PNVN