Trong những ngày cả nước đang hối hả chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với chị Nguyễn Thị Nga – Đại biểu Quốc hội khóa XII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Những kỷ niệm, những câu chuyện trong 4 năm đảm nhiệm vai trò người đại biểu nhân dân chợt ùa về, đặc biệt hơn khi hiện nay chị lại đang công tác ở Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu, Ủy Ban thường vụ Quốc hội. Những câu chuyện xung quanh bầu cử và người đại biểu nhân dân vì thế càng trở nên sôi nổi, thú vị…..
Khi cô giáo là Đại biểu Quốc hội
Trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII nhiệm kỳ 2007 – 2011 khi đang là giáo viên, Trưởng bộ môn Địa – Thể dục của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi. Thời điểm đó, khi tới trường, lên lớp bản thân chị Nguyễn Thị Nga cũng cảm thấy có chút mới mẻ, vừa vinh dự, tự hào lại vừa lo lắng vì trách nhiệm nặng nề. Được người thân, đồng nghiệp ủng hộ, động viên, chia sẻ, học trò khích lệ, chị dần quen với tâm thế của một cô giáo là Đại biểu Quốc hội.
Bước vào kỳ họp thứ nhất, với những đại biểu kiêm nhiệm và trúng cử lần đầu như chị Nga, xác định là làm quen và học việc. Quan tâm, lắng nghe các đại biểu phát biểu ý kiến ở tổ, hội trường; trao đổi, học hỏi các đại biểu Quốc hội có bề dầy kinh nghiệm, đại diện cho nhiều dân tộc, vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đã giúp cho chị Nga có thêm nhiều hiểu biết mới. Từ kỳ họp thứ 2 trở đi, chị bắt đầu bắt nhịp với các hoạt động của người đại biểu. Được các đại biểu đi trước chỉ bảo, được tham gia các khóa tập huấn về các kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử, qua nắm bắt những trăn trở, nguyện vọng của cử tri, qua các buổi trao đổi, nói chuyện với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh,…chị Nga đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và mạnh dạn tham gia phát biểu thảo luận. Đáng nhớ nhất với chị vẫn là lần phát biểu đầu tiên tại kỳ họp thứ 2, phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của đất nước được truyền hình trực tiếp. Gần 15 năm đứng lớp, tham gia nhiều hoạt động chuyên môn nhưng khi đứng lên giữa Hội trường gần 500 người, những giây đầu tiên chị Nga không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. Đã chuẩn bị rất kỹ bài phát biểu và tập dượt từ trước, chị bình tĩnh trình bày các vấn đề: Nên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học với nhau, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, cơ cấu lao động và cơ cấu đào tạo của Việt Nam còn nhiều bất cập, vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp,…Phần phát biểu thảo luận của chị Nga nhận được sự chia sẻ, đánh giá cao của các đại biểu và được cử tri ghi nhận, đồng tình. Đặc biệt, năm học sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2.
Với nhiệm kỳ 4 năm, chị Nga đã phát huy tốt vai trò người đại biểu nhân dân khi tích cực tham gia phát biểu thảo luận để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đóng góp ý kiến để Quốc hội ban hành những chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống của nhân dân. Chị chia sẻ rằng để có thể phát biểu 7 phút ở Hội trường đòi hỏi các đại biểu phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về nội dung cũng như căn chỉnh thời gian cho phù hợp. 9 kỳ họp, 7 lần phát biểu tại Hội trường, số ý kiến thảo luận tại tổ thì không tính xuể, gần 20 cuộc tiếp xúc cử tri,…. là những con số có thể định lượng nhưng kiến thức, kỹ năng của bản thân được nâng lên thì không đo đếm được,… Và cũng suy nghĩ giống như nhiều Đại biểu Quốc hội, chị Nga cho rằng: “Trải qua một khóa Quốc hội như là được qua một trường Đại học lớn”. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp người đại biểu phải thực sự hoạt động bằng cái Tâm của mình, phải xác định trách nhiệm trước cử tri, phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri, thay mặt cử tri tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, tham gia ý kiến để xây dựng chính sách.
Đồng hành cùng đại biểu dân cử
Từ một Đại biểu Quốc hội là giáo viên, chị Nga coi việc được đồng hành cùng các đại biểu dân cử trước hết là một cơ duyên sau nữa mới là cái “nghiệp”. Năm 2010, chị chuyển công tác về Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử và hiện đang là Phó Giám đốc của Trung tâm. Nhiệm vụ của Trung tâm là xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho ứng cử viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trúng cử lần đầu tiên.
Từ kinh nghiệm của bản thân, qua quá trình làm việc, tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở nhiều tỉnh, thành, ngành nghề, lĩnh vực, chị Nga quan niệm rằng khi được chọn là ứng cử viên hay khi đã trở thành người đại biểu dân cử hãy đến với cử tri bằng chính cái Tâm của mình, chỉ có như vậy mới có phong thái tự tin, thái độ chân thành khi tiếp xúc, gặp gỡ với bà con. Bên cạnh công việc chuyên môn cần dành thời gian cho hoạt động của người đại biểu, tham dự đầy đủ các kỳ họp, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Đặc biệt lưu tâm đối với những kiến nghị của cử tri, ghi chép đầy đủ, tổng hợp, phân loại; đối với những vấn đề chuyển cho các ngành cần có sự theo dõi kết quả thực hiện; quan trọng nhất là tất cả những kiến nghị đó đều phải được phản hồi, được trả lời cho cử tri. Kiến nghị có thể đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết nhưng quan trọng là cử tri thấy ý kiến của mình đã được đại biểu lắng nghe, được quan tâm. Người đại biểu cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, giải thích pháp luật cho cử tri.
Xây dựng Chương trình hành động là một trong những yêu cầu quan trọng đối với ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. Chương trình cần bám sát quy định của pháp luật, ngắn gọn, khoa học, gần gũi với thực tế, có tính khả thi, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri. Về cơ bản chương trình hành động cần đảm bảo được các nội dung như: Giới thiệu về bản thân mình; Sự hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội; Tại sao tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và trúng cử thì làm những gì; Mong cử tri bầu cho mình và mình sẽ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, đồng thời sẽ luôn quan tâm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri... Các ứng cử viên cần có sự tập dượt trước để tạo cho mình sự tự tin và chủ động khi trình bày chương trình hành động.
Với riêng các ứng cử viên, đại biểu là nữ, chị Nga chia sẻ rằng: trong ứng cử, bầu cử không có sự phân biệt nam nữ nhưng có những điều mà chỉ riêng các ứng cử viên, đại biểu nữ phải chú ý khi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri như: chọn trang phục cho phù hợp với các đối tượng cử tri mình tiếp xúc và tạo sự thoải mái cho mình, nếu có trang điểm thì nên nhẹ nhàng, tối giản khi sử dụng đồ trang sức, không nên đi giày, dép quá cao,…. Nhớ về thời điểm cách đây gần 10 năm, chị Nga cùng 5 chị là ứng cử viên lần đầu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương quan tâm, tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, tiếp xúc với cử tri nữ thông qua các hoạt động Hội…. Chị Nga coi đó là hành trang đầu tiên và vô cùng quan trọng để mình tiếp tục phát huy vai trò người đại biểu và cả trên bước đường công tác sau này.
Trải qua nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội khóa XII và lại được đồng hành với các đại biểu dân cử, chị Nga thấu hiểu tâm trạng đan xen những băn khoăn, lo lắng, tin tưởng, hy vọng... của mỗi ứng cử viên. Mong muốn có thể chia sẻ với các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân của tỉnh nhà, đặc biệt là các nữ ứng cử viên, chị trân trọng giới thiệu chuyên mục “Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân những điều cần biết” trên Trang Thông tin điện tử của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử để mọi người cùng tìm hiểu thông tin, kiến thức, có sự chuẩn bị tốt nhất, góp phần mang lại thành công cho “Ngày hội non sông”.
THÙY LÂM - Hội LHPN tỉnh Hải Dương