Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hưng Yên nhưng chữ “Duyên” đã khiến anh chị gắn bó với mảnh đất Hải Dương. Anh Hòa, chị Cương cùng học trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Tháng 10/1986, anh chị ra trường và đều được phân công công tác về xã miền núi Bắc An – thị xã Chí Linh (nay thuộc phường Bến Tắm) và nên duyên chồng vợ. Những năm 80, khó khăn trăm bề với ngành giáo dục, giáo viên vùng núi, vùng dân tộc thiểu số càng nhiều gian khó, nhất là những năm 1987 và 1990, khi các con anh chị là cháu Đỗ Tiến Quyết và Đỗ Thị Thu Thảo lần lượt chào đời. Với quyết tâm không chịu nghèo khó và phải tạo được điều kiện cho con ăn học, ngoài giờ lên lớp, anh chị đã đã nỗ lực không ngừng, ngày đêm, khuya sớm tảo tần, vừa dạy học vừa tăng gia sản xuất chăn lợn, nuôi gà để phát triển kinh tế gia đình. Là giáo viên, hơn ai hết, anh chị rất hiểu sự quan trọng của ánh sáng tri thức đối với tương lai của các con nên mặc dù còn không ít khó khăn nhưng cả 2 vợ chồng đều hết sức quan tâm đến việc nuôi dạy, định hướng và tạo mọi điều kiện cho con học tập. Anh Cương chị Hòa luôn tâm niệm rằng: Mình có thể nghèo về kinh tế nhưng không để các con nghèo về tri thức. Chính từ quyết tâm đó, dù cho nhà thì nhỏ, kinh tế eo hẹp anh chị vẫn cố gắng dành riêng cho các con một góc học tập, mua đầy đủ sách vở, đồ dùng cần thiết và tạo mọi điều kiện về thời gian để các cháu học bài. Anh chị cũng thu xếp công việc để rèn cặp các con học tập. Mọi người trong khu tập thể đều mến phục bởi ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên nuôi con ăn học thành tài của gia đình anh chị. Thấu hiểu được nỗi lòng của bố mẹ, hai cháu Quyết và Thảo đều rất chăm học, chăm làm. Ngoài thời gian học tập, các cháu đều có ý thức phụ giúp mẹ mọi việc từ nấu cơm, giặt quần áo, chăm sóc lợn, gà đến dọn dẹp nhà cửa.
Con cái là niềm vui của cha mẹ, với anh Cương chị Hòa cũng không là ngoại lệ. Vì thế, trong câu chuyện của chúng tôi, từ đầu đến cuối đều xoay quanh Quyết và Thảo.
Cậu con trai lớn Đỗ Tiến Quyết 12 năm liền đều là học sinh giỏi, năm nào cũng được chọn tham gia đội tuyển Học sinh giỏi của thị xã, của trường và đạt nhiều giải cao. Năm 2005, Quyết đã trúng tuyển vào Khoa Kỹ sư Công nghệ ô tô - trường Đại học Bách khoa Hà Nội với 27 điểm. Quyết thông thạo tiếng Anh và còn đang theo học thêm tiếng Pháp, hiện đang là giảng viên khoa công nghệ ô tô- trường Đại Học Sao Đỏ - Thị xã Chí Linh- Hải Dương. Tháng 4/2014, Quyết đã bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Không những là một giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi, Quyết còn là một thành viên tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường.
Cô con gái yêu Đỗ Thị Thu Thảo của anh chị, ngay từ khi 3 tuổi đã sớm bộc lộ năng khiếu về Toán học bằng việc thuộc rất nhanh các con số đếm từ 1- 100 mà không hề bị vấp. Mỗi khi mẹ dạy anh trai học Thảo ngồi bên cạnh chăm chú lắng nghe rồi nhẩm theo, mỗi lần mẹ dạy anh vẽ, Thảo cũng ngồi cạnh và lấy bút tập vẽ, thậm chí em còn vẽ đẹp và nhanh hơn anh. Có lẽ vì thế mà niềm đam mê chính của Thảo là học Hình học. Liên tục từ năm lớp 4, Thảo đều giành được giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Được thừa hưởng năng khiếu toán học từ cả bố và mẹ nên trong 3 năm học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Thảo đều đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia về môn toán học; Năm 2008, Thảo là nữ sinh duy nhất trong đội tuyển 6 thí sinh của Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 49 tổ chức tại Tây Ban Nha và giành được huy chương Bạc; Đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của bản thân Thảo, của gia đình, bạn bè và đất nước mà quan trọng hơn đó là động lực để cô gái tỉnh Đông bé nhỏ luôn cố gắng nhiều hơn nữa.Vào học tại Khoa Toán - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, thành tích học tập của Thảo cũng thật đáng nể, năm nào em cũng đứng nhất, nhì toàn trường. Không chỉ ham học Toán, Thảo còn thích vẽ tranh, viết thư pháp, làm thơ, chơi cờ và tham gia rất nhiều hoạt động xã hội khác rất sôi nổi. Thảo cũng là một trong những gương mặt đại diện cho Việt Nam sang Nhật dự giao lưu giữa thanh thiếu niên Nhật Bản với thanh thiếu niên Đông Nam Á. Cô gái này khiến mọi người khá ngạc nhiên khi thể hiện điệu múa về Hoa sen Việt Nam.
Cùng với bảng thành tích học tập thuyết phục, năm 2010, Thảo đã có chứng chỉ Tiếng Anh (Toefl và Sat) đủ để giành được học bổng tại nhiều trường Đại học danh tiếng của Mỹ. Trong tốp 10 trường gọi nhập học, Thảo chọn Stony Brook - Trường học danh tiếng hàng đầu của Mỹ - thuộc thành phố NewYork - để theo đuổi ước mơ Toán học. Tốt nghiệp năm 2013 với tấm bằng loại Giỏi, hiện nay Thảo tiếp tục nhận được xuất học bổng toàn phần và đang làm Luận án Tiến sỹ tại trường đại học Mits thuộc bang Masachusetts. Khi hỏi về những dự định của cô con gái yêu, anh Đỗ Văn Hoà cho biết sau này khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, em sẽ trở về quê hương mong góp một phần nhỏ bé cho nền Toán học nước nhà.
Trao đổi với tôi về phương pháp dạy con học tập, chị Trần Thị Cương cho biết: Có được kết quả học tập như vậy không chỉ là do năng khiếu bẩm sinh, và gien di truyền, mà quan trọng là do sự nỗ lực phấn đấu, việc chọn phương pháp học tập của các cháu và một phần hỗ trợ, định hướng từ cha mẹ. Anh chị đã biết đến một kinh nghiệm: "Học để phát triển tố chất chứ không phải có tố chất mới học, trẻ có quyền được cha mẹ giúp phát triển những tố chất đó”, vì vậy, anh chị luôn luôn tạo không khí vừa học vừa chơi, dạy con học mọi lúc mọi nơi, lúc thì như là tâm sự, trò chuyện, lúc thì nghiêm khắc. Khi con có những thắc mắc cha mẹ cần giải thích ngay với thái độ ân cần. Trong khi giải thích cho con hoặc dạy con học tuyệt đối không được quát mắng con vì nếu quát mắng chúng sẽ mất hứng thú. Khi nói chuyện luôn nhìn thẳng vào mắt con, nói những điều đơn giản nhưng chân thành, không giấu giếm. Khi bố mẹ sai bố mẹ xin lỗi các con, để từ đó cho các con có cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Thời gian cho con học chị không gò bó, khi nào cháu thấy hướng thú thì học. Anh chị trực tiếp chọn sách cho con, từ sách tham khảo đến sách nâng cao dần chứ không ép buộc con học cùng một lúc. Thành công lớn nhất là anh chị đã chắp cánh cho con phát triển tất cả tố chất mà các cháu có, giúp các cháu thực sự có được niềm vui với những đam mê khoa học của mình và những hoạt động xã hội mà bản thân hứng thú và mong muốn tham gia.
Kỳ công trong việc nuôi dạy con, dành thời gian cho con nhưng anh chị cũng là những nhà giáo tâm huyết với nghề và có chuyên môn sâu. Chị Trần Thị Cương là một giáo viên dạy giỏi còn anh Đỗ Văn Hòa là Hiệu trưởng của trường THCS Nguyễn Trãi, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh - một trong những trung tâm chất lượng cao của thị xã, nhiều năm liền được Chủ tịch UBND thị xã và tỉnh tặng bằng khen, 12 năm liền cá nhân anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh về môn Toán học. Với riêng chị Cương, không chỉ là một giáo viên dạy giỏi ở trường mà chị còn là một hội viên phụ nữ gương mẫu, nhiệt tình và tâm huyết với các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội LHPN và khu dân cư. Chị luôn gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ chị em trong trường, trong chi hội những lúc khó khăn, động viên chị em vươn lên trong cuộc sống; tuyên truyền, vận động, thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tham gia hoạt động Hội. Đặc biệt từ kinh nghiệm của bản thân, chị Cương thường xuyên chia sẻ phương pháp nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình hạnh phúc cho các chị em phụ nữ trên địa bàn. Đồng nghiệp trong cơ quan, bà con nơi anh chị sinh sống đều dành những tình cảm yêu mến và cả sự cảm phục đối với gia đình chị - một gia đình hiếu học tiêu biểu không chỉ của vùng đất Chí Linh.
Nguyễn Thị Toan - Uỷ viên BTV Hội LHPN thị xã Chí Linh